Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Samsung và LG ‘gây chiến’ vì 3D

Tại Hàn Quốc, hai hãng TV hàng đầu thế giới đều đã có những lới nói và quảng cáo nhằm đả kích hai công nghệ TV 3D mà họ đang sử dụng.


Trong khi Samsung vẫn trung thành với công nghệ TV 3D chủ động sử dụng kính trập hình động thì đồng hương của hãng, LG, lại sử dụng thêm công nghệ 3D thụ động với kính phân cực trên các sản phẩm TV 3D thế hệ 2011 của mình. Điểm nổi bật ở công nghệ 3D thụ động FPR của LG là việc có chi phí đầu tư hợp lý, giá thành kính chuyên dụng rẻ còn công nghệ 3D chủ động của Samsung lại có độ phân giải cao, sắc nét hơn với chuẩn Full HD 3D.


Những mẫu TV 3D LED đời mới của Samsung sử dụng công nghệ chủ động với kính trập hình động. Ảnh: Akihabaranews.


Sự khác biệt giữa hai công nghệ 3D này đã khiến mối quan hệ giữa LG và Samsung tại Hàn Quốc thời gian gần đây đã không được tốt đẹp khi xuất hiện những lời phát ngôn hay quảng cáo “châm chọc” qua lại.


Theo What Hi-fi, kẻ khơi mào có thể là LG khi trước đó, để quảng cáo cho công nghệ 3D thụ động Film-Patterned Retarder trên dòng TV Infinia Cinema mới của mình, hãng này đã sử dụng một tấm poster mô tả việc người xem có thể nằm nghiêng và quay ngang đầu mà vẫn có thể xem được phim ảnh nổi trên TV 3D. Điểm mạnh của công nghệ 3D thụ động FPR này được LG đúc kết với lời quảng cáo “cuối cùng thì bạn sẽ có một cách thoải mái để xem 3D”.


Quảng cáo về công nghệ 3D FPR của LG. Ảnh: What Hifi.


Tuy nhiên, dường như lời quảng cáo của LG sau đó đã đụng chạm tới một số hãng đối thủ và làm phật ý không ít người, đặc biệt là Samsung. Trong một buổi họp báo của hãng, Kim Hyeon-seok, phó Chủ tịch Samsung cho rằng: “3D có thể không hoạt động khi người xem nằm nghiêng người tuy nhiên việc xem ở tư thế này chỉ khiến cho người dùng cảm thấy thêm chóng mặt. Thậm chí, các tổ chức nổi tiếng quốc tế còn khuyến cáo người xem nên thưởng thức 3D khi ngồi thẳng thay vì các tư thế khác”.


Trang What Hi-fi cho biết, sau khi nhân vật điều hành cấp cao của Samsung tuyên bố như vậy, LG đã ngay lập tức đáp trả với lời giới thiệu mới về công nghệ 3D thụ động của mình. “Đầy người xem cần phải cố định ở vị trí thẳng đứng và người xem cần ngồi đối diện để xem 3D trên những mẫu TV sử dụng kính trập hình, tuy nhiên công nghệ FPR của LG lại mang đến sự khác biệt giúp bạn có thể xem với mọi góc nhìn khác nhau”.


Quảng cáo TV 3D LED D8000 của Samsung. Ảnh: What Hifi.


Tuy nhiên theo What Hi-fi, đỉnh điểm của “cuộc chiến” giữa hai hãng TV hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc là việc vị Phó Chủ tịch Kim của Samsung chê bai trực tiếp công nghệ của đối thủ LG trước báo giới. “Tôi từng nghe thấy Giám đốc điều hành Kwon Young-soo của LG Display nói rằng TV 3D với kính phân cực có thể trình diễn được Full HD. Nếu điều đó là sự thật thì có lẽ các kỹ sư dưới quyền của ông ta có lẽ đều không biết gì về công nghệ”, What Hi-Fi trích lời.


LG chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về phát biểu của đối thủ. Trong khi đó, Samsung cũng không đưa ra một lời giải thích nào cho hành động của mình. Thay vào đó, mới đây hãng TV số một thế giới hiện nay lại tiếp tục tung ra một quảng cáo 3D mới tại Hàn Quốc và tiếp tục “chê” công nghệ 3D thụ động.


Bức quảng cáo mới của Samsung có hình ảnh của diễn viên nổi tiếng Huyn Bin đang đeo kính trập hình động và tỏ ra khá thoải mái khi xem 3D trên model LED D8000. Tuy nhiên, ngay bên dưới là hình ảnh một chú khỉ đeo cặp kính 3D hai màu xanh-đỏ cổ điển với câu hỏi: “Tại sao TV 3D của tôi lại không có độ phân giải Full HD”.


LG hãng TV chú trọng phát triển công nghệ 3D thụ động nhất hiện nay.


Trên thị trường hiện nay, LG đang là sản xuất chính tập trung phát triển công nghệ 3D thụ động trên TV và sở hữu công nghệ màn hình 3D FPR. Hãng này có thêm một số đối tác khác như Vizio, Philips, Toshiba cũng tham gia liên minh và sản xuất TV 3D thụ động.


Samsung và LG hiện là hai hãng TV lớn nhất trên thế giới hiện nay. Riêng Samsung, hãng này còn nhà sản xuất dẫn đầu ở cả thị trường TV 2D lẫn 3D.


Theo Sohoa.net

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/03/70021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến