Theo cách giải thích đơn giản nhất, con người ta hôn nhau bởi cảm giác dễ chịu và phấn khích mà nó mang lại.
Người ta hôn nhau bởi đơn thuần nụ hôn mang lại cảm giác dễ chịu (Ảnh minh họa)
Đôi mắt nàng mở to và nhìn bạn đắm đuối. Bạn vòng tay qua eo nàng và kéo cô ấy lại gần mình. Khi nàng gần sát với khuôn mặt bạn, bạn cúi người và nhẹ nhàng nghiêng đầu sang bên phải, đôi môi của bạn và nàng chạm vào nhau. Bạn tự hỏi: “Mình đang làm cái quái gì thế này?”
Theo cách giải thích đơn giản nhất, con người ta hôn nhau bởi cảm giác dễ chịu và phấn khích mà nó mang lại. Tuy nhiên, những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nụ hôn vẫn chưa thể hài lòng với lời giải thích này.
Mặc dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn nguồn gốc của nụ hôn nhưng họ đã đưa ra một số thuyết giả định, trong đó màn “khóa môi” nồng nhiệt được cho là chịu ảnh hưởng của cơ chế sinh học trong cơ thể người.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu nụ hôn có phải là bản năng của con người? Một số người cho rằng đây là hành vi hình thành trong quá trình phát triển, bắt nguồn từ tổ tiên loài người. Các bà mẹ thường nhai thức ăn và mớm cho con của mình khi đứa trẻ chưa mọc răng. Thậm chí ngay cả khi chúng đã có thể tự nhai cơm, các bà mẹ tiếp tục dùng môi của mình day nhẹ vào má đứa trẻ như một cách để vỗ về chúng.
Chính vì không phải bản năng nên không phải người nào cũng thực hiện nụ hôn. Một số bộ tộc trên thế giới không bao giờ hôn nhau. Trong khi 90% loài người đều trải qua ít nhất một lần “khóa môi”, có tới 10% không ý thức được họ đã bỏ lỡ điều này.
Một số khác lại tin rằng hôn là một hành vi bản năng của con người, căn cứ vào hành vi giống như hôn nhau của một số loài động vật. Trong khi một số loài thích cọ mũi vào nhau để thể hiện tình cảm, một số khác lại chu môi ra giống hệt con người khi hôn. Chẳng hạn loài Bonobo (một loại tinh tinh) có hàng tấn lý do để “trao đổi” nước miếng của mình. Chúng “hôn” để làm lành sau xung đột, để vỗ về, tăng sự gần gũi, kết nối giữa 2 phía và đôi khi chẳng vì lý do nào cả, hệt như con người vậy.
Ngày nay, phần lớn chúng ta chấp nhận giả thuyết là con người hôn nhau bởi nụ hôn giúp chúng ta “đánh hơi” được bạn tình chất lượng. Khi 2 khuôn mặt sát lại gần nhau, kích thích tố pheromone trong 2 cơ thể sẽ “trò chuyện với nhau”, trao đổi thông tin sinh học để xác định xem 2 phía nếu kết hợp với nhau có thể cho ra một thế hệ con cháu khỏe mạnh hay không.
Chẳng hạn, phụ nữ có xu hướng thích mùi hương của những người đàn ông có cấu trúc gene mã hóa một số loại protein trong hệ miễn dịch khác với của mình. Kết hợp với mẫu đàn ông này, con cái sẽ có hệ miễn dịch khỏe hơn, có nhiều cơ hội sinh tồn hơn.
Có điều, hầu hết mọi người đều thỏa mãn với sự giải thích đơn giản nhất là người ta hôn nhau bởi đơn thuần nụ hôn mang lại cảm giác dễ chịu và phấn khích. Môi và lưỡi chứa rất nhiều các đuôi thần kinh, làm tăng mạnh cảm giác ngây ngất trong tình yêu khi chúng ta “khóa môi” với nửa kia của mình. Cảm giác choáng ngợp và ngọt ngào này khiến người ta tạm gác lại câu hỏi vì sao chúng ta hôn, thay vào đó, nó hướng chúng ta tới một câu hỏi khác: “Làm thế nào để được hôn nhiều hơn?”.
Theo: SKĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét