Chiều 2/6, thi thể người đàn bà bị chồng bế ném xuống sông Đuống đã được tìm thấy tại tỉnh Bắc Ninh, sau hơn một ngày tìm kiếm.
Thành cầu - nơi bà Hiền bị chồng bế, ném xuống sông Đuống.
Xác bà Nguyễn Thị Hiền, 50 tuổi, nổi lên tại bờ sông cách hiện trường chừng 15 cây số, tại địa phận xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Sáng hôm nay, Công an huyện Gia Lâm cho biết chưa khởi tố bị can với chồng nạn nhân là ông Nguyễn Kim Đức. Tại cơ quan điều tra, ông Đức khai sáng 1/6, trước khi chở người vợ bị liệt đi châm cứu rồi bế khỏi xe máy vứt xuống sông Đuống, ông "có uống một chút rượu". Khoảng 10h30' hôm đó, sau khi to tiếng, vì vợ muốn chết nên ông dừng xe ở giữa cầu Đuống và "giúp sức".
Bà Hiền bị tai biến mạch máu não vào cuối năm 2012 và bị liệt nửa người. Từ đây, cuộc sống gia đình bà có nhiều xáo trộn. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dĩnh (Tổ trưởng tổ hòa giải tổ 1 phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, từ khi phải chăm vợ, lo chữa bệnh, ông Đức hay uống rượu hơn, khi say thường tìm cớ gây sự với vợ con. Khi địa phương can thiệp, ông hứa sẽ thay đổi nhưng không thực hiện.
Theo Tổ trưởng Dĩnh, trước khi vợ lâm bệnh, ông Đức từng có thời gian điều trị rối loạn tâm thần tại bệnh viện. Có lần ông đốt gian bếp rồi ngồi ở bên trong không chịu ra khiến hàng xóm phải vào kéo khỏi đám cháy.
Theo người thân, bà Hiền làm nghề thu mua phế liệu. Ông Đức làm công nhân tại Gia Lâm.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết: "Hành vi ném vợ xuống sông Đuống của ông Đức đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội Giết người. Tuy nhiên, việc gây án trong lúc đang đưa vợ đi khám cho thấy hành vi mang tính bột phát.
Ông Đức khai vì vợ muốn chết nên ông “giúp sức” cho thấy tại thời điểm phạm tội ông nhận thức ném vợ xuống sông thì đương nhiên bà này sẽ chết. Do vậy, không có căn cứ cho thấy khi ông Đức phạm tội có thể mắc bệnh tâm thần.
Hành vi phạm tội của ông Đức thỏa mãn 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: phạm tội có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự), phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được và phạm tội đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần (điểm h khoản 1 Điều 48).
Ông Đức còn có thể được hưởng tình tiết "người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” do từng điều trị rối loạn tâm thần.
theo :Vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét