Một đêm nọ, tại nơi cao nhất của núi Cấm, người em gieo mình xuống vực sâu tự tử. Người anh song sinh cũng lao theo nhưng may mắn bị vướng trên cây...
Trường hợp của Hoàng và Hà không phải là đầu tiên. (Ảnh minh họa).
Khuyên can em không được thì phải chết chung!
Sáng sớm 17/7, anh Vinh – người bán quán ăn tại bờ hồ Thủy Liêm – ngay đầu đường trên đỉnh Bồ Hong, phát hiện 1 thanh niên mình đầy thương tích, máu me, lê lết từng bước chân mệt nhọc từ trên đỉnh núi xuống. Thấy có dấu hiệu bất thường, anh Vinh kêu người thanh niên dừng lại, đồng thời kêu anh này vào ngồi ghế để hỏi thăm. Nhưng người thanh niên không đồng ý, đòi về nhà trọ để tắm, rửa sạch vết thương, vết máu trên người. Anh Vinh không cho người thanh niên đi và liền điện thoại thông báo với Công an xã An Hảo (đóng chốt trên đỉnh núi Cấm). Lực lượng công an nhanh chóng có mặt.
Qua làm việc sơ bộ, người thanh niên khai tên là Trịnh Huy Hoàng – quê ở tận Đắk Lắk, do buồn chuyện gia đình nên cùng người em là Trịnh Hải Hà lên núi Cấm chơi cho khuây khỏa. “Lúc đó khoảng 20h đêm 16/7. Anh em tôi qua uống nước giải khát tại quán cà phê võng ngay đầu đường lên đỉnh Bồ Hong thì cùng nhau bắt xe ôm lên đó. Vì Hà buồn chuyện gia đình, buồn chuyện tình cảm riêng tư nên tôi muốn đưa em mình đi chơi để giải khuây. Thấy núi non mát mẻ, trong lành nên chúng tôi cùng nhau lên đỉnh cao để ngắm. Không ngờ, trong lúc đang nói chuyện thì Hà bất ngờ gieo mình xuống vực sâu. Tôi không còn kịp suy nghĩ gì, chỉ nhảy theo cứu em trai, không được thì cùng nhau chết”, Hoàng cho biết, sau khi sống sót từ cú nhảy ở độ cao 716m của đỉnh núi Cấm.
Theo lời khai của Hoàng, cả anh và người em song sinh đều là sinh viên năm nhấy của 1 trường cao đẳng tại quê nhà. Hoàng và Hà đến núi Cấm vào ngày 15/7.
Đỉnh núi Cấm với vách đá cheo leo ở đỉnh Bồ Hong nơi anh em sinh đôi gieo mình tự tử.
Cuộc tìm kiếm dưới vực sâu
Xác định lời khai của Hoàng là có cơ sở, lực lượng Công an xã An Hảo đã đưa nạn nhân đến trạm y tế xã để băng bó, rửa vết thương. Sau đó, Hoàng cùng với lực lượng công an trở lên đỉnh Bồ Hong để xác định nơi 2 anh em đã nhảy xuống. Từ đó, các cán bộ công an và người dân đã men theo vách đá đựng đứng bò xuống vực sâu để tìm kiếm xác nhận còn lại. Nhiều người cột dây thừng vào người, men theo vách đá để dò dẫm từng bước xuống vực sâu. Sau vài tiếng đồng hồ tìm kiếm, tất cả mọi người đã leo ngược vách đá trở lên vì không thấy xác nạn nhân đâu. Nghỉ ngơi một lúc, những người này lại nỗ lực lần thứ 2 trở xuống vực sâu để tìm. Kết quả vẫn là con số không. “Phải đến lần thứ 3, sau 2 lần tìm ở bãi đá bên dưới không thấy, chúng tôi phải tiếp tục men theo vách đá bò xuống vực sâu nằm hun hút bên dưới nữa. Mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ mới tìm thấy xác nạn nhân. Từ đỉnh Bồ Hong nhảy ra thiệt xa thì mới rớt xuống vực này. Còn nếu người “lỡ” trượt chân, hoặc nhảy gần thì chỉ rớt xuống vực đầu tiên ở khoảng cách hơn 200m từ đỉnh núi. Việc tìm kiếm đã vất vả khó khăn trăm bề như thế, việc đưa xác nạn nhân trở lên còn khó khăn, vất vả gấp ngàn lần. Nhưng không lẽ biết người ta chết ở dưới đó mà mình làm lơ, bỏ thây luôn. Nghĩa tử là nghĩa tận mà”, anh Ly – một người tham gia tìm kiếm xác nạn nhân chia sẻ.
Cũng theo anh Ly, khi tìm được xác của anh Trịnh Hải Hà thì cơ thể, xương cốt của nạn nhân đã gãy nát. Đầu nạn nhân cũng bị bể, mặt, trán bẹp rúm, biến dạng vì bị rơi trúng vào đá, tay, chân đều gãy cả. Mọi người phải dùng cây để nẹp vào xác rồi dùng bạt bó lại, cột dây vào xác để người trên đỉnh núi kéo lên. “Nói thì đơn giản vậy chứ có dễ vậy đâu. Anh em tụi tôi phải “treo” mình trên vách đá để đỡ cái xác cho phía trên kéo lên. Vách đá gồ ghề, cây cối um tùm nên kéo lên là vướng vào vách. Cứ thế, tụi tui phải leo theo từng nấc từng nấc để hỗ trợ, đỡ xác, mới có thể kéo lên trên được”, anh Ly nói.
Người bị “thần chết”… chê nói gì?
Trở lại với Trịnh Huy Hoàng – người vừa trở về từ cõi chết sau cú nhảy kinh hoàng ở độ cao 716m, khi lực lượng chức năng đưa được xác của người em song sinh lên trước mặt, anh vẫn chưa thể hoàn hồn. Hoàng kể, biết em trai buồn nên anh đã hết lời khuyên can. Không ngờ, Hà không kiềm chế được tâm trạng đã nhảy xuống vực. Trong lúc hốt hoảng, Hoàng không kịp suy nghĩ nên đã lao theo.
Lúc đó, trong đầu Hoàng nghĩ phải nhảy theo để túm lấy đứa em trai lại, may thì cứu được, còn không thì cùng chết. “Nhưng đêm tối, rừng núi âm u, mà đứa nhảy trước, đứa nhảy sau nên đâu thấy được gì. Tôi cũng không biết gì sau đó. Đến sáng hôm sau tỉnh lại, thấy mình nằm trên một ngọn cây to bên vách đá, tán cây như một cánh tay khổng lồ đã “hứng” lấy tôi. Khi đó, tôi mới biết mình sống sót, rồi dò dẫm bò trở lên”, Hoàng khai với công an. Hoàng còn cho biết, mặc dù rất đau xót vì đứa em song sinh đã chết, nhưng sau khi trở về từ “quỷ môn quan” anh đã thật sự biết… sợ chết.
Trường hợp của Hoàng và Hà không phải là đầu tiên. Cách đây hơn 20 năm, cũng có 2 chị em song sinh quê ở tỉnh Tiền Giang tìm đến đỉnh Bồ Hong để tự tử với mong muốn được lên… thiên đường. Người chị nhảy trước, người em liền nắm tay giữ lại nhưng cũng bị kéo rơi xuống vực sâu. Trớ trêu là người em lại chết, còn người chị cũng vướng trên đọt cây, sống sót. Sau đó, người chị bò lết trở lên kêu cứu và vô cùng hoảng sợ, không “dám”… chết nữa. Xác người em sau đó được tìm thấy và chôn ở đỉnh mồ côi đến bây giờ. 4 năm sau, có một đôi tình nhân đã cột tay nhau cùng nhảy xuống núi tự tử. Hậu quả, cả 2 cùng chết, nhưng người trong vùng lại đồn thổi, cho là họ “chuyển thế", đầu thai vào làm con của một cặp vợ chồng sinh đôi 1 trai – một gái với những dấu hiệu và hiện tượng kỳ lạ (chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải chi tiết trên số báo tới)…
Cơ quan chức năng cho biết, qua việc kiểm tra hiện trường và làm việc với người có liên quan cho thấy đây chỉ là vụ tự tử chứ không có dấu hiệu phạm tội. Thi thể nạn nhân cũng được bàn giao về quê an táng sau đó. Từ vụ nhảy núi này, xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt rằng lên núi Cấm tự tử dễ được lên… thiên đàng. Vì thế, người dân trên núi Cấm đề nghị cơ quan chức năng nên xây một hàng rào kiên cố và an toàn tại bờ vách của đỉnh Bồ Hong để ngăn chặn tình trạng nhảy xuống vực sâu tự tử. Bởi hiện nay, tại nơi này, vách đá cheo leo, bên dưới là vực sâu thăm thẳm nhưng không có hàng rào để ngăn cản người tham quan đến bên bờ vực. Chỉ có một sợi dây thừng được căng qua loa trên 1 thân cây nhỏ xíu. Còn bên bờ vực thì chỉ có mảnh lưới B40 đã bị đổ rạp, không đảm bảo an toàn cho khách tham quan, hành hương.
theo : Lai Giang (TT & ĐS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét