Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Văn hóa sống - đưa vào Bótay.com

Theo: Vietnamnet

… Con người ta rất khó có niềm tin nếu như nhìn vào những hiện tượng “nói vậy mà không làm vậy”. Khi niềm tin đã mất tới "hai lần", mọi thang bậc giá trị dĩ nhiên rất dễ bị con người chà đạp, coi thường. Như những bàn chân, bàn tay đã vô cảm, nhẫn tâm chà đạp, vặt trụi không thương tiếc Phố Hoa.

“Đói” văn hóa hay tính tư lợi bản chất.



Bưng cả chậu hoa về làm của riêng. Ảnh: VNN Sẵn sàng đạp lên lên hàng rào, dẫm nát cỏ cây...Ảnh: VNN

Quả thật, những ngày này, đọc trên báo chí, tôi thấy không còn đủ những từ ngữ để nói tới nỗi xấu hổ, sự phẫn nộ chê trách, và cả nỗi nhục nữa- về thái độ và văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta, qua lễ hội Phố Hoa Tết Dương lịch 2009 mới đây tại Hà Nội.

Cái “văn hóa vặt trụi” hoa anh đào ngày nào còn nguyên vẹn trong tâm cảm, làm sượng sùng thể diện của cả đất nước, trước sự kinh ngạc sau động thái giao hảo văn hóa thân tình của nước bạn láng giềng. Nay, cả nước lại được chứng kiến tận mắt lễ hội Phố Hoa, như cách gọi chua chát, mỉa mai, lễ hội Phá Hoa. Vâng, lễ hội phá hoa của một bộ phận những người sống ở Hà Nội, ở một t/p, một Thủ đô luôn được gọi bằng những từ ngữ đẹp, mỹ miều- người Hà Nội thanh lịch (!)

Sự dự cảm, nỗi lo sợ mơ hồ của người viết bài này trước mỗi sự kiện văn hóa sẽ diễn ra, không còn là dự cảm, và mơ hồ nữa. Nó hiển hiện như những cánh tay thô bạo vặt, ngắt, nhổ, thậm chí bưng cả chậu hoa về làm của riêng. Hiển hiện như những bàn chân vô cảm, không hề xấu hổ, sẵn sàng đạp lên hàng rào, dẫm nát cỏ cây, chỉ vì sở thích làm đẹp riêng mình. Hay chính họ đang đạp lên những giá trị văn hóa tối thiểu- sống có sự tự trọng, có văn hóa trong một xã hội đang hô hào hướng tới sự văn minh.

Hiển hiện như chính sự thật đáng lo này- cứ mỗi sự kiện văn hóa được tổ chức, được diễn ra, gắn với nó như hình với bóng, là một sự kiện “phản văn hóa”- tạo nên những cú sốc, những chấn thương tâm lý- khiến xã hội luôn bị “sốc” phản văn hóa liên miên.

Tôi không đồng ý với một nhận xét đầy sự “độ lượng” của một người dân, vì “đói” văn hóa...Đúng là dân ta rất “đói”, do tầm, do tài của ngành chức năng. Nhưng chả lẽ cứ đói văn hóa thì cư xử vô văn hóa? Ngẫm cho kỹ, có thể thấy lễ hội phá hoa vừa qua, cũng chỉ là “cách ứng xử” bình thường như nhiều cách ứng xử, cách sống của người Việt lâu nay giữa cộng đồng, trong mọi hoạt động của đời sống.



Những dòng xe nối đuôi nhau đi sơ tán để tránh bão Gustav đổ bộ vào Mỹ. Ảnh: tin247.com

"Vỉa hè- đường ta", ta cứ đi. Ảnh: baodatviet.vn

Khi cơn bão Gustav đổ bộ vào nước Mỹ, trên báo mạng có một bức ảnh chụp dân Mỹ đi sơ tán, khiến người viết bài này xem mà thấy chạnh lòng cho xứ sở mình. Hàng dãy dài ô tô con cứ xếp hàng nối đuôi nhau chạy trên con đường rộng. Nếu muốn, một chiếc xe nào đó có thể phóng vượt lên. Nhưng không, tất cả vẫn nối đuôi nhau tuần tự ngay trong những thời khắc khẩn cấp. Nhờ ý thức tôn trọng pháp luật và văn hóa ứng xử nơi công cộng, mà con người ta không làm tổn hại đến lợi ích của người khác (đồng loại), đồng thời, vô hình chung, xây dựng và củng cố thêm “nếp gia phong quốc gia”, đẹp dần lên trong mắt các quốc gia khác.

Chạnh lòng, vì nghĩ ngay tới những đường phố Hà Nội, đông cũng như hè, xuân cũng như thu, sáng cũng như chiều, phố nhỏ hay đại lộ, lúc nào cũng tắc nghẽn. Đành rằng, đất nước đang phát triển, giao thông không theo kịp là một nguyên cớ. Nhưng nguyên cớ quan trọng hơn, liệu có phải là cái cách tham gia giao thông đầy tính “tư lợi” của người Việt chúng ta không? Mạnh ai nấy chen, chen xuôi chen ngược, không cần phải trái. Xe máy chen, xe đạp chen, xe thồ chen, đến cả ô tô con, ô tô khách, tắc xi…cũng chen. Đường ta, ta cứ đi, cứ chen, cứ lấn. Chỉ lợi ích đi đường của ta là trên hết. Ngay cả vỉa hè- không phải “đường ta”, nếu cần, ta cũng láu cá, cũng khôn vặt, leo lên để phóng, bất cần luật lệ.

Chạnh lòng, vì nghĩ tới những bức tường của bất cứ ngôi nhà nào của Hà Nội như mắc bệnh ghẻ lở, với chi chít dọc ngang, trái phải…những dòng chữ “Khoan cắt bê tông”, những “Khoan giếng”, những quảng cáo “Gia sư”…như khoan, như cắt vào cái diện mạo, vào mỹ quan đường phố, nhưng các cơ quan chức năng, quản lý vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Chạnh lòng, vì nghĩ tới vấn nạn tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công…

Chạnh lòng vì quá nhiều cái phải...chạnh lòng.

Ngẫm cho kỹ, từ chuyện ứng xử văn hóa như phá hoa, vặt trụi hoa, chen lấn đi lại, bôi bẩn đường phố, xả rác, khạc nhổ lung tung ra đường…đến chuyện lối sống, cách sống có nguồn gốc của nó. Bé thì ăn cắp vặt, ăn trộm mớ rau, con gà, móc túi đồng loại, lớn thì “mua quan, bán tước”, móc túi của dân, ăn cắp của công, tham ô, tham nhũng…trong số đó, có nhiều kẻ “đói” không, hay ngược lại, rất giầu có? Liệu đó có phải bắt nguồn từ một thói quen bản chất của một xứ sở nông nghiệp, của một nền tảng văn hóa khập khiễng trong một quốc gia đang phát triển: Sự tư hữu, tư lợi, cá nhân của con người?

Chằng chịt những thông tin quảng cáo... Ảnh: tin1s.com

Tâm lý cá nhân đến độ người ta không chịu nhường nhau dù chỉ một câu nói. Tâm lý ấy đi cả vào thành ngữ dân gian: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Đi vào đời sống: Bậc tam cấp hay cái nền nhà của nhà anh không thể cao hơn nhà tôi. Và đi ra xã hội: Anh lấy làm của riêng được, sao tôi không lấy được? Chỉ cần thấy có tý lợi, dù cỏn con, là con người ta sẵn sàng hành động, vì tính tư lợi. Chỉ cần một người dám làm, là lập tức, cả đám đông “A la sô”, không sợ xấu hổ, bất cần luật pháp, coi thường mọi giá trị chuẩn mực của nếp sống và hành vi văn hóa. Có những người hái hoa xong, là vứt bỏ, vì chẳng biết để làm gì(!)

Niềm tin và các thang bậc giá trị

Đương nhiên, sự tư lợi là bản năng của con người ở bất cứ quốc gia nào, của ngay đứa trẻ khi bắt đầu có chút nhận thức và ý thức.

Sẽ có câu hỏi: Tại sao có những nước nông nghiệp láng giềng trong khu vực, nghèo như nước ta, con người ta cũng vốn có sự tư lợi như bản năng giống loài, lại không xử sự vô văn hóa như vậy, không ăn cắp, ăn nẩy đến như vậy?

Câu trả lời: Vẫn là chính sách “hướng đạo” đúng, luật pháp công bằng và nghiêm minh. Con người ta có niềm tin vào sự tử tế, vào lẽ phải, sẽ dẫn đến sống có đạo lý, biết sợ luật pháp, và cả luật “nhân –quả”.

Đã có rất nhiều ý kiến phê phán, mổ xẻ sự kiện phá hoa, trong đó, không ít ý kiến đổ lỗi cho giáo dục. Điều đó không sai, và giáo dục cũng là “gót chân A- sin” dễ thấy nhất. Thế nhưng, xin đừng quên rằng, giáo dục ở một số nước nghèo trong khu vực, đâu đã phát triển, nhưng sao con người ta lại hướng thiện được, lại không ăn cắp vặt và ăn cắp lớn? Như vậy, đổ lỗi cho giáo dục, đúng mà không đủ.

Xin đừng quên rằng, giáo dục tuy rất quan trọng cũng chỉ là một nguồn lực, một thành tố của xã hội, chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn của xã hội. Xin đừng quên rằng, đứa trẻ sống với nhà trường nhiều lắm là 4-5 tiết học, nhưng sống với gia đình, với xã hội cả cuộc đời.

Sản phẩm của giáo dục, chưa thành chính phẩm đã đành, nhưng bước ra khỏi cổng trường, rất có thể, nó xuống hạng, trở thành thứ phẩm trong quá trình sống và trưởng thành. Bởi “trường đời” có khi không chỉ phá vỡ những cái tốt còn bấy bớt, tiềm ẩn trong con người, mà có khi còn “dạy ngược”, làm đảo lộn mọi giá trị. Không chỉ tìm ở trường học- giáo dục, xin hãy tìm chính nguyên cớ ở trường đời- xã hội.



Lễ hội Phố Hoa hay "lễ hội phá hoa". Ảnh: VNN

Xã hội chúng ta có không ít những cuộc vận động, những phong trào "hướng đạo" cho con người. Nhưng dường như sự "hướng đạo" ấy chỉ mang tính chất hô hào, khuyếch trương, nên tiếc thay, những khẩu hiệu đẹp, những ngôn từ đẹp cứ trượt đi như "nước đổ lá khoai", không đủ sức thấm vào nhận thức để từ đó điều chỉnh hành vi con người. Trong khi, văn hóa là hướng đạo kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, là "mưa dầm thấm lâu", và quan trọng hơn, văn hóa còn là sự làm gương của những người lớn.

Con người ta rất khó có thể sống tốt, nếu như ngày ngày luôn được nghe những thông tin, hôm nay, ông này tham nhũng; ngày mai, ông kia chơi bời cờ bạc bằng tiền đi vay của quốc tế, ngày kìa, ông nọ..chiếm dụng đất công thành của riêng…mà pháp luật lại không đủ mạnh (hay không đủ minh bạch và công tâm) để răn đe. Con người ta rất khó có niềm tin nếu như nhìn vào những hiện tượng “nói vậy mà không làm vậy”. Khi niềm tin đã mất tới "hai lần", mọi thang bậc giá trị dĩ nhiên rất dễ bị con người chà đạp, coi thường. Như những bàn chân, bàn tay đã vô cảm, nhẫn tâm chà đạp, vặt trụi không thương tiếc Phố Hoa

Tôi thật sự tâm đắc về nhận xét của một giáo sư người Việt ở Singgapo: “Nếu thấy người dân xem thường chính quyền thì phải xem lại đức hạnh của quan lại; nếu thấy người dân không tuân thủ luật pháp thì phải xem lại ý thức thượng tôn công lý của hệ thống; nếu thấy người dân hay trí trá thì phải xem lại sự thành tâm và tín nghĩa của người lãnh đạo; nếu thấy người dân hay mê tín dị đoan thì phải xem lại tính minh bạch và công tâm của cơ chế.”

Nhưng cũng hy vọng, ở thái độ kiên quyết mới đây của chính quyền thành phố: Sẽ có chế tài nghiêm khắc xử lý mọi hành vi vô ý thức và vô văn hóa như đã diễn ra trong lễ hội Phố Hoa vừa qua. Điều đó tuy muộn nhưng còn hơn không!

Và mong hơn, không phải chỉ là một giải pháp tình thế, luôn “chạy” theo các”cú sốc" phản văn hóa, giải quyết các hệ lụy khi mọi sự đã rồi. Quan trọng là " Ý thức thượng tôn công lý của hệ thống". Từ quan chức tới thường dân.

Nhất là khi lễ hội Hoa đăng Tết âm lịch Kỷ Sửu lại sắp nở.

Liệu chính quyền t/p có một lần nữa “Bó tay.com”?

Và ..."Bó tay. com" với tất cả những hành vi, ứng xử, lối sống thiếu văn hóa khác đã thành thói quen, thành tính cách, thành "Văn hóa người Việt"?

  • Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến