Hôm 16/3, vị nữ quan chức cao cấp Viviane Reding của Ủy ban Châu Âu (EU) đã cho biết rằng, những hãng công nghệ lớn của thế giới như Facebook hay Google có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu họ không chấp hành những điều luật về dữ liệu riêng tư của EU.
Theo kế hoạch, vào tháng tới, Reding sẽ kiến nghị EU kiểm tra kỹ lưỡng tất cả đạo luật “lỗi thời” có hiệu lực trong suốt 16 năm qua để đảm bảo rằng những thông tin cá nhận được bảo vệ an toàn và không bị lợi dung vào các mục đích “ngầm” của những hãng kinh doanh công nghệ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chắc chắn EU sẽ rất chú ý tới các dịch vụ của những website phổ biến hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Microsoft hay Yahoo, trong bối cảnh nhiều luồng dư luận lo ngại rằng các hãng này có thể lợi dụng thông tin họ thu thập được từ những thói quen cá nhân của người dùng để “trục lợi” bất minh.
Reding muốn có một cơ chế để đảm bảo các hãng công nghệ phải cho phép người dùng được hủy bỏ bất kỳ dữ liệu nào mà những dịch vụ trực tuyến khai thác từ họ, bởi Reding coi đây là “quyền được phép bỏ qua.”
Cơ chế này sẽ khiến cho những nhà kinh doanh công nghệ minh bạch hơn trong việc chỉ rõ thông tin nào họ đã lấy được từ người dùng, và họ ứng dụng thông tin đó vào mục đích gì.
Vấn đề hiện nay là nhiều hãng công nghệ đang đóng trụ sở ở Mỹ, hoặc lưu trú dữ liệu trong các máy chủ tại đó, chứ không phải ở châu Âu, khiến cho đạo luật của EU khó lòng “sờ gáy” hiệu quả. Do vậy, Reding muốn kêu gọi nhiều nước thành viên EU cùng đồng lòng để tạo ra “sức nặng” cho đạo luật của mình.
Tất nhiên điều này là không dễ dàng gì, bởi hồi năm ngoái, EU và Mỹ đã có những tranh luận “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong việc thỏa thuận trao đổi dữ liệu ngân hàng để phục vụ công tác điều tra khủng bố.
Theo kế hoạch, những đề xuất của Reding sẽ được đưa ra trình Ủy ban Châu Âu vào trước tháng Bảy này./.
Theo VietNam+
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/03/64423
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét