Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Đầu cơ tên miền?


Không phải dân IT chuyên nghiệp nhưng Phạm Thành Long – Giám đốc Cty Luật gia Phạm sở hữu hàng chục tên miền .com.vn. Nhiều người nghĩ anh “đầu cơ” để

kinh doanh. Tôi mang ý nghĩ đó hỏi anh!Tên miền chỉ có giá trị khi đạt được sự phổ biến nhất định. Hiện tại có khoảng 15 nghìn tên miền .vn đã được cấp nhưng hoạt động thực sự chỉ khoảng 5.000 và đây lại là tên miền cấp 3 nên rất khó truy cập khiến cho thương hiệu .vn không được quốc tế biết đến.

Theo Luật gia Phạm Thành Long, nguyên nhân quan trọng làm cho tên miền .vn không phổ biến vì mức phí đăng ký quá cao. Tên miền .vn cấp 3 ở VN là 930.000 đồng cho năm đầu tiên và 480.000 đồng cho năm tiếp theo. Còn tên miền cấp hai là 24 triệu đồng, trong khi đó quốc tế chỉ khoảng 8 USD. Để phát triển thương mại điện tử còn non nớt của VN, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với Internet, theo tôi phí cấp tên miền .vn chỉ ngang mức với tên miền quốc tế hoặc thấp hơn. Thậm chí một số nước để phổ biến tên miền quốc gia họ còn cấp miễn phí. Chẳng hạn tên miền .be của Bỉ hiện đang được miễn phí và mỗi cá nhân thuộc Liên minh Châu Âu được cấp tối đa 5 tên miền.

Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký tên miền còn rườm rà, phức tạp. Trong khi tên miền quốc tế chỉ cần vài phút là có thể đăng ký trực tuyến, còn ở VN vẫn làm theo cách “thủ công” mang hồ sơ đến VNNIC. Cũng phải nói thêm, trên thế giới người ta không thu phí thay đổi hệ thống máy chủ tên miền (DNS) hay thông số kỹ thuật của tên miền khi ser-ver bị tấn công hay muốn chuyển đổi server người sở hữu phải trả mức phí 250 nghìn đồng cho một lần thay đổi. Một mức phí này đủ duy trì hai tền miền quốc tế .com trong một năm và có thể chuyển đổi DNS miễn phí bất kỳ lúc nào qua công cụ trên web… Đó là chưa kể tên miền Internet hoạt động 24/7 mà cơ quan quản lý tên miền của VN chỉ hoạt động 8/5. Như vậy thiệt hại đối với người sử dụng khó có thể lường trước.

Sở dĩ xảy ra thực trạng như trên là do tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của VNNIC.

Hiện nay anh đang sở hữu khá nhiều website với các tên miền khác nhau, phải chăng anh có ý định “kinh doanh”?

Theo quy định quản lý và sử dụng tài nguyên Internet VN thì việc chuyển nhượng, cho thuê, bán lại tài nguyên Internet dưới bất kỳ hình thức nào đều bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động đầu cơ tên miền. Nhưng theo tôi điều này là bất hợp lý trong khi quyền sử dụng đất được chuyển nhượng, quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá, sáng kiến, bản quyền có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê… Tên miền được cấu tạo từ các con số, các chữ cái và ký tự, có thể dài tới 63 ký tự và tối thiểu bằng 3 ký tự, như vậy tổng số tên miền .vn sẽ khó có thể khai thác hết được.

Vậy sẽ không có chuyện đầu cơ hay chuyển nhượng ở VN?

Chuyện cấm chuyển nhượng cũng không khả thi bởi vẫn có thể “lách” bằng cách: người muốn chuyển nhượng nộp đơn hoàn trả tên miền còn người “mua” đồng thời nộp đơn xin cấp tên miền dưới tên của chủ thể mới. Làm vậy sẽ mất thêm phí đăng ký mới và duy trì năm đầu tiên lên đến 930.000 đồng. Như vậy việc “cấm” cũng không ngăn chặn được chuyển nhượng nếu thật sự có nhu cầu mà chỉ hạn chế sự phát triển của hệ thống tên miền. Còn chuyện đầu cơ như đã nói ở trên, thứ nhất tên miền không khan hiếm. Thứ hai với mức phí cao như hiện nay ai dám mạo hiểm bỏ ra một khoản tiền lớn để duy trì số lượng lớn tên miền .vn. Thứ 3 tên miền quốc gia của chúng ta chưa thực sự phổ biến. Trên thực tế chưa thấy ai rao bán tên miền .vn ở VN bởi rất khó bán được quá 1.000 USD cho dù đó là tên miền hot. Nếu thực sự có đầu cơ thì cơ quan quản lý sẽ thu lợi cho nhà nước và có lợi cho tên miền quốc gia vì nó sẽ làm cho tên miền trở nên phổ biến.

Còn trên thế giới thì sao?

Trên thế giới, tên miền hay nói chính xác hơn là quyền sử dụng tên miền tạo cho người nắm giữ quyền sử dụng nó có lợi thế hơn chủ thể khác. Quyền sở hữu tên miền được coi là quyền tài sản vì nó có thể trao đổi mua bán. Có thể lấy dẫn chứng giao dịch tên miền trên thế giới thời gian gần đây: Business.com: 8 triệu USD; Casino.com: 5,5 triệu USD… Nếu tình trạng cứ tiếp tục kéo dài thì tên miền .vn khó mà phát triển vì mọi người sẽ chuyển sang dùng tên miền khác.

Về việc thu hồi 25 tên miền của luật sư Vũ Thái Hà vì vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, quan điểm của anh như thế nào?

Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do những quy định còn vênh nhau trong việc cấp tên miền và cấp đăng ký hoạt động. VNNIC cấp tên miền cho cả cá nhân và pháp nhân, tuy nhiên Bộ Văn hoá chỉ cấp đăng ký cho pháp nhân. Theo quy định các tên miền được cấp phép hoạt động nhưng không hoạt động và các tên miền hoạt động nhưng không được cấp phép thì sẽ bị thu hồi. Còn rao bán là không có căn cứ vì không thể định danh được.

Với những bất cập như đã nêu, tại sao anh vẫn đăng ký khá nhiều tên miền .vn?

Không chỉ tên miền .vn mà tôi còn có nhiều tên miền khác nhau như: .us; .fr; .cd, tổng cộng khoảng 2000 tên miền. trong đó tên miền .vn chiếm số lượng đông đảo hơn cả. Nhưng điều đó chỉ để thoả mãn thú sưu tập và vì tự hào dân tộc, chứ không hề có ý định kinh doanh, bởi với mức phí như hiện nay chẳng ai dại gì đầu tư theo hướng kinh doanh. Nhiều trang web do tôi sở hữu hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chẳng hạn photo.com.vn là trang web tôi lập ra để cùng những người có sở thích chụp ảnh đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến