Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Không sở hữu tên miền quốc tế: bi hài và trở ngại

Không chỉ có tên miền Viettel.com thuộc quyền sở hữu của người khác, một loạt doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam cũng đang chịu cảnh không có tên miền quốc tế.

Tên miền Viettel.com bị rao bán với mức giá ngất ngưởng - Ảnh: VietnamPlus

Lướt qua một vòng các website, có thể thấy các tên miền như vnpt.com, mobifone.com, vinaphone.com… đều không thuộc về các doanh nghiệp trong nước.

Nếu như tên miền mobifone.com được trỏ về snte.com-một website của Trung Quốc thì tên miền vinaphone.com lại trỏ về một website “người lớn”. Trong khi đó, tên miền của đơn vị “mẹ” hai doanh nghiệp trên là vnpt.com cũng thuộc về một đơn vị của Hàn Quốc…

Với ngành ngân hàng, tên miền agribank.com cũng không thuộc sở hữu của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Hồ Quốc Huệ, giám đốc marketing của Công ty cổ phần Viễn thông tin học bưu điện (CTIN Trading), cho biết các tên miền có đuôi .com thường không ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở trong nước. Song, khi đẩy mạnh phát triển ra toàn cầu thì lại khá quan trọng.

Theo ông Huệ, tên miền quốc tế sẽ thân thuộc và phổ biến hơn với khách hàng quốc tế. Bởi thế, khi họ gõ tên miền của một doanh nghiệp để truy cập mà lại không ra địa chỉ website, thì bản thân doanh nghiệp ấy có thể sẽ bị giảm tín nhiệm trong mắt khách hàng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Huy Anh, trưởng phòng sáng chế số 2 (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ), cho biết nếu doanh nghiệp không sử dụng được tên miền trùng với tên của mình là rất dở. Điều này thể hiện việc tự bảo vệ của doanh nghiệp là yếu.

Ông Huy Anh cũng thường đưa ra những lời khuyên cho doanh nghiệp khi mới thành lập là ngoài việc đăng ký tên miền Việt Nam (ví dụ: .com.vn, .vn) thì rất nên đăng ký tên miền bao vây, nhất là đối với những tên miền phổ dụng như .com, .net. Bởi lẽ chi phí cho việc đăng ký và duy trì tên miền này là không quá lớn.

Ở một góc khác, ông Nguyễn Long, phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, lại cho rằng việc doanh nghiệp không có được tên miền .com cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến thương hiệu.

“Việc người khác đăng ký tên miền doanh nghiệp rồi sau đó bán lại với giá cao đã diễn ra từ lâu. Theo tôi, doanh nghiệp nếu lấy lại được tên miền quốc tế nói trên là tốt nhất, nhưng cũng không nên bỏ số tiền quá lớn để mua lại”, ông Long nói.

Ông Long cho biết nếu lên các trang tìm kiếm như Google, Yahoo, gõ cụm từ Viettel thì chắc chắn công cụ tìm kiếm sẽ đưa ra địa chỉ tên miền của Viettel ở trong nước. Bởi vậy, doanh nghiệp trong nước không cần đuổi theo tên miền, mà việc đầu tiên cần nắm tên miền trong nước để phát triển.

Vẫn theo vị chuyên gia này, nếu doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn, rồi sau đó làm thế nào mà tên miền của mình nổi bật, để khách hàng quốc tế phải truy cập vào thì sẽ là rất tuyệt. Bởi như vậy, vô hình trung khách hàng quốc tế sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn thông qua tên miền .vn.

Không phủ nhận ý kiến tên miền Việt Nam là rất quan trọng và cần phát triển, song ông Hồ Quốc Huệ cho rằng nếu có được cả tên miền quốc tế, rồi trỏ vào website có đuôi .vn (ví dụ: khi khách hàng gõ vào địa chỉ vinaphone.com thì website sẽ tự động trỏ về vinaphone.com.vn-pv) thì rõ ràng tên miền quốc gia của chúng ta lại càng được chú ý hơn.

Và khi ấy tên miền quốc tế vẫn sẽ giúp khách hàng nước ngoài cảm nhận sự thân thuộc khi truy cập vào website của doanh nghiệp Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến