Các công nghệ dưới đây có thể tạo sự thay đổi với quy mô ở tầm quốc gia hay liên quan trực tiếp đến chính những người sử dụng công nghệ như màn hình 3D trên các thiết bị di động, các ứng dụng mới cho điện toán đám mây, TV xã hội...
TV xã hội
Dựa vào mối quan hệ để gầy dựng lại khán giả truyền hình
Nhà khoa học Marie-José Montpetit (thuộc Học viện công nghệ Massachusetts - Massachusetts Institute of Technology - MIT) đưa ra sáng kiến chương trình TV xã hội (social TV) nhằm mang lại phương thức kết hợp giữa sự chủ động của các mạng xã hội và sự bị động của TV truyền thống. Trong vài năm qua, số lượng khán giả xem truyền hình phát trực tiếp qua sóng đang bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, lại nổi lên hiện tượng đáng ngạc nhiên: các sự kiện thế giới như Thế vận hội mùa đông, giải Grammy thu hút người xem nhiều hơn và có nhiều lời "bàn tán" hơn. Có được điều này một phần là do các thói quen xem mới: trong khi xem chương trình, khán giả cũng đồng thời sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính xách tay để trao đổi, gửi các tài liệu, tweet, cập nhật trạng thái....
Marie-José Montpetit, nhà khoa học làm việc tại phòng nghiên cứu về điện tử của MIT, cho biết TV xã hội là cách kết hợp sự chủ động của mạng xã hội và sự thụ động của TV truyền thống. Mục tiêu của Marie-José là làm cho khán giả có thể xem truyền hình tại bất kỳ nơi nào, có thể chia sẻ và thảo luận với nhau và làm cho khán giả dễ dàng chọn được các chương trình mà họ yêu thích.
Các nhà đài, nhà mạng và nhà sản xuất nội dung hy vọng rằng việc làm cho người xem dễ dàng liên kết với bạn bè của họ, giúp duy trì được lượng khá giả, thay vì để họ chuyển sang các dịch vụ khác như Hulu, dịch vụ truyền hình qua mạng Internet. Và bật TV để kết nối mạng xã hội có thể làm cho các công ty thuận tiện hơn trong việc cung cấp chương trình đến từng cá nhân. Nhiều nhà phát triển đang làm việc theo cách này để có thể chia sẻ chương trình qua kết nối băng rộng hay bộ giải mã.
Thật vậy, các công ty truyền hình cáp và các nhà cung cấp video băng rộng khác đã bảo trợ cho các cuộc thử nghiệm nhỏ về dịch vụ truyền hình tương tác trên thế giới trong hơn 20 năm qua. Nhưng hầu hết các hệ thống còn “dở hơi” so với việc kết hợp máy tính xách tay và màn hình TV lớn mà khán giả ngày nay đang kết nối “tạm” với nhau. Trung tâm dữ liệu sẽ tập hợp video từ các nguồn trực tuyến như YouTube và chia sẻ cho người dùng được chỉ định thông qua các mạng xã hội, người sử dụng TV, và cho phép người dùng và những người trong mạng của họ gửi các phản hồi và đánh giá qua lại thông qua ứng dụng iPhone.
Cách này tránh tin nhắn trên màn hình TV, vì điều này thường gây ra khó chịu cho người xem, những người không muốn bị các văn bản phiền phức che chắn trên màn hình HDTV 52” của họ. Ứng dụng cũng cho phép người dùng yêu cầu mạng cung cấp chương trình truyền hình mà cô/anh ấy muốn xem. Gác vấn đề kỹ thuật và kinh doanh qua một bên, Marie-José mong muốn social -TV giúp bạn bè và gia đình giữ được kết nối, ngay cả họ di chuyển đi nơi khác.
HTML5
Tương lai của web
Đặc tả HTML5 có các khả năng đa phương tiện cho web và đang được nhiều công ty khác nhau, từ Google tới Microsoft và Apple, chấp nhận đi theo. HTML5 cho phép nhà phát triển, lập trình web tạo ra các trang web có thể hoạt động tốt trên nhiều trình duyệt khác nhau của bất kỳ thiết bị nào – từ máy tính để bàn, máy tính xách tay cho đến điện thoại thông minh. Không những thế, HTML5 còn đem đến cho người dùng những trải nghiệm về tốc độ truy cập web nhanh hơn, tốt hơn và tài nguyên phong phú hơn.
Không như Flash “biệt lập” thường khó trao đổi dữ liệu với thành phần web khác và gây khó khăn cho các cỗ máy tìm kiếm, nội dung video hiển thị với HTML5 là một thành phần web nên dễ liên kết với các thành phần web khác hay với các dịch vụ web. Hứa hẹn trong tương lai gần, video trong HTML5 sẽ có những tính năng hấp dẫn như tìm kiếm, trao đổi qua thoại, phụ đề tự động… HTML5 có vẻ vượt lên Flash của Adobe cũng như Silverlight của Microsoft.
Một dẫn chứng rõ nhất là bản Internet Explorer 9 vừa được giới thiệu hồi cuối tháng 10 đã hỗ trợ HTML5. Adobe có thương hiệu nổi tiếng là Flash cũng đã đưa công cụ mới Adobe Edge dùng để tạo ảnh động cho HTML5. Giám đốc quản lý sản phẩm Creative Suite của Adobe cho biết, các nhà phát triển và nhà thiết kế sử dụng Dreamweaver để xây dựng trang web. Với phần mở rộng Adobe HTML5 Pack cho Dreamweaver CS5, các nhà phát triển tận dụng HTML5, CSS3 để đạt được những khả năng như gợi ý mã, trong đó công cụ này sẽ giúp kết thúc các dòng mã dựa trên những gì đã được nhập trên bàn phím.
Tìm kiếm thời gian thực
Mạng xã hội thay đổi cách thức tìm kiếm thông tin
Tìm kiếm thời gian thực là kết quả phản hồi dựa trên sự thay đổi cơ bản theo cách người sử dụng dùng web. Trước đây, thói quen của người dùng là ghé thăm một trang web, sau đó nhấn đường liên kết (link) để ghé qua một trang khác. Nhưng hiện nay, người dùng phải mất nhiều thời gian để theo dõi, cập nhật các luồng dữ liệu từ trang web, mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng như blog và chương trình phát thanh trên Internet. Do đó, lượng thông tin trên web hầu như nhanh như “tia chớp” và quá dày đặc, rải rác khắp nơi nên việc chọn lọc, thu thập thông tin hữu ích là điều khó khăn nhất của các công cụ tìm kiếm đến thời điểm này.
Một thách thức nữa của công cụ tìm kiếm là phải có bộ lọc thư rác. Google hiện đang được xem là công cụ tìm kiếm thông thường hàng đầu hiện nay nhờ vào khả năng theo dõi tỉ mỉ các đường link đến trang web, kèm theo đó là các giá trị đặc biệt khác của riêng Google được tích lũy qua thời gian. Tuy nhiên, nếu đem cách tìm kiếm truyền thống áp dụng cho tìm kiếm thời gian thực thì không thể được, nguyên nhân là các thông tin được đăng trên mạng xã hội có thể biến mất trong vòng vài phút. Vì vậy, công cụ tìm kiếm cần đánh giá nội dung thông tin đó có giá trị hay không chỉ tính bằng giây, thậm chí là micro giây.
Amit Singhal, chuyên gia kỳ cựu của Google, cho biết chiến lược của Google dành cho tìm kiếm thời gian thực là chắt lọc từ mớ dữ liệu một số mẫu nội dung được coi là phù hợp nhất để trả về kết quả cho người dùng ở một thời điểm cụ thể. Một đối thủ đáng gờm của Google là Microsoft cho rằng thuật ngữ tìm kiếm thời gian thực vẫn chưa thể hiện hết những ý nghĩa mà thuật ngữ này mang lại. Microsoft lấy ví dụ ngay công cụ tìm kiếm Bing của mình không chỉ lọc dữ liệu từ các mạng xã hội mà còn có thể mở rộng chúng hơn nữa.
Theo Microsoft, tìm kiếm thời gian thực là bước ngoặt trong lịch sử trang web tìm kiếm và họ cho rằng do tính chất khác biệt của tìm kiếm thời gian thực so với công cụ tìm kiếm thông thường nên có thể Google khó lòng duy trì lợi thế so với các công cụ tìm kiếm khác. Amit Singhal kết luận rằng dù trong nay mai, người dùng có thể sớm tiếp cận với hình thức tìm kiếm thời gian thực nhưng họ vẫn luôn mong cách tìm kiếm mới này nên hội đủ các yếu tố như chất lượng, độ tin cậy, và kết quả trả về phù hợp với yêu cầu như cách mà người dùng đã tìm kiếm trên web truyền thống.
Điện thoại di động 3D
Điện thoại thông minh sẽ dẫn đầu trào lưu sử dụng 3D
Ông Julien Flack, Giám đốc công nghệ của Dynamic Digital Depth (DDD), đã dành hơn một thập kỷ để hoàn thiện phần mềm có thể chuyển đổi nội dung 2D sang 3D trong thời gian thực mà không cần phải đeo kính đặc biệt dành cho 3D. Phần mềm của Flack sẽ tạo ra các cảnh 3D từ đoạn video 2D có sẵn bằng cách ước tính độ sâu của các vật thể nhờ vào tín hiệu khác nhau, tạo ra các cặp hình ảnh hơi khác nhau mà sau đó não của người dùng sẽ kết hợp các hình ảnh này để tạo ra cảm giác về độ sâu.
Công nghệ này cũng có thể sử dụng cho TV 3D xuất hiện trong năm 2010. Tuy nhiên, hiệu quả đặc biệt của cách này là tạo nội dung trên các thiết bị di động với hiệu ứng nổi 3D nhờ vào ánh sáng trực tiếp. Ánh sáng này sẽ chiếu đến các phiên bản khác nhau của từng hình ảnh đến mắt của người xem. Hiệu quả tốt nhất của công nghệ này thể hiện trên một phạm vi hẹp của góc nhìn, vì vậy nó không phù hợp với màn hình truyền hình hay xem phim. Tuy nhiên, lợi thế ở điện thoại là người dùng có thể di chuyển để chọn góc xem tối ưu.
Phần mềm 3D này cũng được đưa vào chiếc điện thoại Samsung B710; Samsung đã ra mắt điện thoại 3D mới nhất mang tên W960 vào tháng 3 năm nay. Công ty nghiên cứu DisplaySearch dự đoán vào năm 2018 sẽ có 71 triệu thiết bị di động 3D có mặt trên toàn cầu. DDD đã giới thiệu phần mềm dùng để chuyển đổi các trò chơi thành 3D trên máy tính và ông Flack hy vọng rằng trong năm tới hay 2 năm nữa, sẽ xuất hiện phần mềm tương tự chạy trên các thiết bị di động. Ông cho biết các màn hình 2D trên di động sẽ được phát triển sang một cách thức mới, ví dụ trở thành các giao diện dựa trên cảm ứng và dựa vào công nghệ AR - augmented reality (xem mục AR).
LTE
Mang đến nhiều dịch vụ mới cho người dùng di động
Đặc tả kỹ thuật của công nghệ LTE (Long Term Evolution) có khả năng tương thích gần như hoàn hảo với công nghệ nền tảng GSM. Không chỉ GSM, các telco sử dụng công nghệ CDMA cũng không bỏ qua cơ hội chuyển tiếp lên 4G với công nghệ LTE đầy hấp lực này. LTE là kỹ thuật truyền dữ liệu gói mới dựa trên nền IP, có cùng giao thức cơ bản như Internet.
Đối với người dùng, các hãng cam kết tốc độ truyền dữ liệu sẽ nhanh hơn 3G. LTE sẽ giúp việc dùng phổ tần hiệu quả hơn. Tốc độ tải xuống cao nhất ở băng thông 20MHz có thể lên đến 100Mbps và tốc độ tải lên có thể lên đến 50Mbps. Thực tế cho thấy, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới: Alcatel-Lucent, Ericsson, Motorola, Nokia, Nokia Siemens Networks, Huawei, LG Electronics, Samsung, NEC, Fujitsu... đã nhận ra tiềm năng to lớn này và đã cùng bắt tay với các telco lớn trên thế giới (Verizon Wireless, AT&T, France Telecom-Orange, NTT DoCoMo, T-Mobile, China Mobile, ZTE...) thực hiện các cuộc thử nghiệm quan trọng trên công nghệ LTE và đã đạt những thành công đáng kể.
Nhà mạng di động NTT DoCoMo (Nhật) bắt đầu cung cấp dịch vụ dữ liệu LTE từ ngày 24/12/2010. Verizon (Mỹ) dự kiến sẽ khai trương dịch vụ LTE 4G ở 38 thành phố tại Mỹ gồm khoảng 110 triệu điểm kết nối vào tháng 12 này. Vào cuối năm 2013, Verizon có kế hoạch nâng cấp tất cả các trạm phát sóng hiện có của họ với tính năng LTE, nghĩa là hầu hết các nơi ở Mỹ sẽ được phủ sóng LTE. AT&T và T-Mobile cũng đã hứa sẽ khai trương mạng LTE 4G vào năm 2011, dù hai hãng viễn thông này chưa công bố chính thức khi nào hệ thống mạng của họ sẽ lên sóng.
|
Lập trình đám mây
Ngôn ngữ mới sẽ cải tiến các ứng dụng trực tuyến
Ý tưởng của giáo sư khoa học máy tính Joseph Hellerstein (thuộc đại học Berkeley, California) là xây dựng ngôn ngữ lập trình cơ sở dữ liệu để lập trình viên có thể sử dụng thành xây dựng nhanh bất kỳ ứng dụng đám mây phức tạp nào, với hy vọng mang lại một làn sóng mới các ứng dụng thời gian thực, chẳng hạn game nhiều người chơi trực tuyến hay xem các dấu hiệu cảnh báo về động đất hay sóng thần.
Điện toán đám mây (cloud computing) hứa hẹn cung cấp hầu như không giới hạn sức mạnh lưu trữ và xử lý cho các trung tâm dữ liệu lớn của các công ty “cỡ bự” như Amazon và Google. Nhưng các lập trình viên không biết làm thế nào để khai thác tốt nhất sức mạnh này. Ngày nay, nhiều nhà phát triển đang đưa các chương trình hiện có lên các đám mây, thay vì tạo ra các loại ứng dụng mới hoạt động ở một nơi nào đó. Tuy nhiên, điện toán đám mây vẫn tồn tại một số khó khăn trong việc theo dõi dữ liệu và nhận thông tin tin cậy về những gì xảy ra trên đám mây. Nếu lập trình viên có thể giải quyết tất cả vấn đề này, họ có thể tận dụng được lợi thế của đám mây.
Joseph Hellerstein cho biết, để viết các ứng dụng đám mây phức tạp, ông có thể làm cho các vấn đề khó khăn ở trên trở nên đơn giản hơn nhiều bằng cách phát triển phần mềm tiếp quản việc theo dõi dữ liệu và giữ các thẻ có sự thay đổi, được gọi là Bloom. Ý tưởng của Joseph Hellerstein là thay đổi ngôn ngữ lập trình cơ sở dữ liệu để lập trình viên có thể xây dựng nhanh bất kỳ ứng dụng nào trong đám mây gồm mạng xã hội, công cụ truyền thông, game. Những ngôn ngữ này được "tinh chế" trong những năm qua nhằm giấu đi sự phức tạp trong việc sắp xếp thông tin vào ra của một khối cơ sở dữ liệu lớn.
Cho đến nay, nhóm của Hellerstein đã sử dụng Bloom và những ngôn ngữ "tiền nhiệm" của họ để tái xây dựng và thêm các tính năng chính nhanh chóng cho các công cụ xây dựng đám mây phổ biến như Hadoop, nền tảng được sử dụng trên một lượng dữ liệu rất lớn. Bằng cách giảm rào cản độ phức tạp xuống mức thấp, các ngôn ngữ này sẽ giúp tăng số lượng những nhà phát triển tham gia vào điện toán đám mây, kéo theo nhiều ý tưởng về các ứng dụng mạnh mẽ mới ra đời. Nhóm của Hellerstein phát hành Bloom vào cuối năm nay.
AR
Cung cấp thông tin thời gian thực
AR (Augmented Reality) có khả năng đối chiếu hình ảnh thực tế với kho dữ liệu trực tuyến để cung cấp thông tin cho người sử dụng. AR là một ứng dụng dựa trên công nghệ cảm ứng gia tốc và camera của điện thoại thông minh để hiển thị thông tin, hình ảnh với nhiều hình thức khác nhau.
Chẳng hạn, khi thấy một chiếc xe hơi đậu bên kia đường, người dùng có thể hướng camera điện thoại về phía chiếc xe đó, lập tức phần mềm trong máy phân tích, đối chiếu và cho người dùng biết đó là mẫu xe gì, sản xuất năm nào, giá bán…Một số ứng dụng AR như điện thoại tỏa mùi hương của Nokia, trình duyệt di động Layar, GraffitiGeo hay Yelp và dự án Project Natal của Microsoft.
Trong các lĩnh vực khác, AR không chỉ đơn thuần là cung cấp thêm thông tin mà còn nâng cao tầm nhìn. Chẳng hạn, các camera hồng ngoại lắp phía trước xe hơi sẽ soi sáng đối tượng ở xa hơn, hiển thị rõ ràng như hình ảnh trong ánh sáng ban ngày trên kính chắn gió của xe. Các đầu thu không dây sẽ dò tìm tín hiệu rada và lấy tín hiệu này để hiển thị hình ảnh các xe ngoài tầm nhìn; một phần của kính chắn gió sẽ hiển thị thông tin GPS và tình trạng giao thông.
Thiết bị điện tử cấy ghép
Thiết bị hòa tan giúp cấy ghép tốt hơn
Fiorenzo Omenetto, kỹ sư sinh học thuộc đại học Tufts chế tạo các thiết bị điện tử cấy ghép tự hủy mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Thế hệ tiếp theo của thiết bị cấy ghép y tế sẽ dựa vào vật liệu công nghệ cao không khuôn đúc. Kỹ sư Fiorenzo Omenetto dùng lụa (hay tơ) làm nền cho các thiết bị điện tử và quang học để cấy dưới da, dùng trong xét nghiệm máu, trung tâm hình ảnh và dược phẩm - sẽ an toàn nếu bị vỡ khi không còn sử dụng.
Cấy ghép điện tử có thể cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra bên trong cơ thể, giúp giám sát các bệnh mãn tính hay quan sát sự phục hồi sau phẫu thuật. Tuy nhiên do khả năng thích ứng sinh học hạn chế, nhiều vật liệu được sử dụng trong điện tử sẽ gây ra phản ứng miễn dịch khi được cấy ghép. Và trong hầu hết trường hợp hiện nay, các thiết bị cấy ghép phải được phẩu thuật thay thế hay bỏ đi ở một vài vị trí, vì thế nó chỉ được đưa vào các thiết bị quan trọng như máy điều hòa nhịp tim.
Tuy nhiên, lụa với tính chất có thể phân hủy và mềm mại, truyền ánh sáng như sợi thủy tinh và có thể làm "đệm" cho các thiết bị điện tử để chúng có thể nằm trên các mô sinh học mà không gây kích ứng. Tùy thuộc vào cách được xử lý, lụa có thể tự hủy trong cơ thể ngay lập tức hay tồn tại trong nhiều năm. Kết hợp với Kaplan và các tài liệu khoa học của John Rogers tại đại học Illinois (Urbana-Champaign), Omenetto đã sản xuất được các mảng cấy ghép có thể kết hợp lụa với các điện tử silicon dẻo.
Chẳng hạn, nhóm đã sử dụng các film lụa để giữ các dãy LED và transitor nhỏ xíu – một cơ sở tốt cho các thiết bị cấy ghép, giúp xác định các dấu hiệu bệnh. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thiết bị chức năng tốt cho các sinh vật nhỏ, không để lại sẹo hay miễn dịch. Lụa tan rã, để lại một lượng nhỏ silicon và các vật liệu được sử dụng để làm các mạch.
Một thiết bị khác sử dụng lụa như một chất nền cho lưới điện cực kim loại, được thiết kế để thay thế các điện cực dạng bông (spike-like electrode) sử dụng trên bề mặt của não để chẩn đoán và điều trị các bệnh như chứng động kinh. Khi phun dung dịch muối, lưới lụa sẽ bao bọc quanh não, giúp cho việc đo đạc hoạt động thần kinh chính xác hơn. Điện cực dùng lụa này có thể sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người trong 2 hay 3 năm.
Omenetto cũng nhìn thấy các khả năng khác nữa trong tương lai: chẳng hạn, một sợi lụa quang có thể truyền ánh sáng từ dãy LED đến các cảm biến lụa được cấy ghép làm thay đổi màu sắc để phát hiện bệnh ung thư tái phát. Thiết bị sau đó cũng có thể phát ra một lượng thuốc xác định. Sợi lụa thứ hai có thể truyền thông tin tới bề mặt da của bệnh nhân, nơi thiết bị di động có thể đọc thông tin. Omenetto cho biết, tất cả các thành phần đều có thể làm được. Một khi các mảng được gắn kết với nhau, một sợi tơ nhỏ cũng mang lại sự sống.
Quang điện bẫy sáng
Phát hiện này có thể khiến năng lượng mặt trời cạnh tranh mạnh mẽ hơn với nhiên liệu hóa thạch.
Tiến sĩ Kylie Catchpole của trường Đại học quốc gia Úc ở Canberra đã tìm ra một phương thức để nâng cao hiệu suất của pin. Đó là sáng kiến quang điện bẫy ánh sáng (Light-Trapping Photovoltaic) đã mở ra cơ hội để chế tạo ra các pin mặt trời dạng phim mỏng (thin-film solar cell) có thể chuyển ánh sáng thành điện năng. Pin năng lương mặt trời dạng phim mỏng được làm từ chất bán dẫn sẽ có chi phí rẻ hơn so với pin mặt trời thông thường. Catchpole đã thành công khi phát hiện ra công nghệ quang điện bẫy ánh sáng dựa trên nguyên tắc tối ưu những dao động điện tử khi có tác dụng của điện từ trường trên kim loại ở trạng thái Plasmon (điện tử và ion trong trạng thái hỗn loạn).
Trong quá trình kiểm nghiệm của Catchpole và các đồng sự, khi áp dụng công nghệ này có thể tạo ra điện năng nhiều hơn 30% so với pin silicon dạng phim mỏng thông thường. Quang điện dạng phim mỏng không chỉ đang gia tăng thị phần của mình (hiện chiếm 30% thị phần tại Mỹ) mà còn đang tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét