Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Khi thương mại điện tử thâm nhập thế giới bán lẻ

Khi thương mại điện tử thâm nhập thế giới bán lẻ
Qua khỏi chợ Đầm người lái taxi chạy chậm lại, kiểm tra trên điện thoại di động rồi đưa xe đỗ ngay trước một cửa hiệu bán đồ lưu niệm nơi chúng tôi cần mua một mẫu Totem (vật tổ) khá hiếm của người Thượng ở Tây Nguyên. Từ vài năm nay một số nhà bán lẻ trên bãi biển Nha Trang đã gợi ý khách quen và nhân viên dịch vụ lưu số điện thoại của cửa hàng vào danh mục để họ có thể nhắn tin khi hàng về hoặc mời tham dự các sự kiện. Một tiến trình điện tử hóa ngành bán lẻ đã được bắt đầu.

Điện tử hóa kinh doanh bán lẻ là xu hướng đang phát triển ở Việt Nam với nhiều cấp độ. Các cửa hiệu nhỏ khai thác những tính năng và ứng dụng mới của các loại điện thoại di động thông minh trong khi các doanh nghiệp bán lẻ và nhà phân phối chú ý đầu tư cho trang web riêng hay đăng ký quầy hàng trên các chợ trực tuyến. Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ ở Việt Nam chưa đi đến giai đoạn phát triển có sự tranh giành khách hàng giữa người bán hàng truyền thống và nhà phân phối trực tuyến. Ngược lại, đang có khuynh hướng kết hợp hai trong một với việc nhiều nhà kinh doanh bán lẻ lớn nhỏ hiện nay khai thác thêm công cụ thương mại điện tử để tăng doanh số và giảm nhẹ chi phí.

Vị thế mới của doanh nghiệp bán lẻ

Trong thương mại truyền thống doanh nghiệp bán lẻ đóng vai trung gian (intermediary) giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Một doanh nghiệp bán lẻ có thể bán hàng của chính mình hoặc nhận hàng từ một hay nhiều nhà sản xuất và bán trực tiếp qua hệ thống cửa hiệu hay siêu thị mà họ lập ra hoặc qua trung gian hệ thống đại lý và cửa hàng bán lẻ độc lập.

Doanh nghiệp bán lẻ càng lớn thì hệ thống tổ chức càng phức tạp, càng cồng kềnh với nhiều khâu trung gian và các dịch vụ kho bãi hay vận chuyển, trong trường hợp này việc kiểm soát hệ thống rất khó và chi phí bán hàng cũng tăng cao. Trong một đề án của Bộ Công Thương, các nhà hoạch định chính sách đã dự trù tỷ lệ bán lẻ hiện đại sẽ nâng lên đến 10% vào cuối năm nay, trong khi đó phần khối lượng chính của thị trường bán lẻ vẫn là qua chợ (40%) và qua cửa hàng bán lẻ (44%), phần còn lại (6%) được dự trù cho các nhà sản xuất tự phân phối.


Siêu thị trực tuyến dành cho quân nhân Mỹ
Cách đây khoảng năm năm, có thể chúng ta chưa hình dung được bước tiến nhảy vọt của thương mại điện tử, nhất là từ phong trào khai thác các mạng xã hội và phương tiện di động vào mục đích kinh doanh. Những dẫn chứng từ thực tế cho thấy nguồn vốn toàn xã hội (chi phí đầu tư, thời gian, nhân lực) đã được huy động với một khối lượng lớn trong thời gian dài cho mục đích phát triển hệ thống cơ sở bán lẻ hiện đại (chiếm 10% kể trên) gồm các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện dụng… trong khi đó, việc phát triển một tỷ lệ tương đương những cửa hiệu, cửa hàng bách hóa và khu mua sắm điện tử (e-storefront, e-store và e-mall) lại không tiêu tốn quá nhiều thời gian, chi phí. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại còn phụ thuộc rất nhiều vào những khoản đầu tư lớn của các nhà bán lẻ như Metro Cash&Carry, Co.opMart, Big C, Lotte Mart… Chính trong bối cảnh này, giới chuyên gia nhận ra rằng cái nội lực điện tử hóa kinh doanh của ngành bán lẻ truyền thống sẽ làm nên những điều kỳ diệu, nếu các nhà quản lý có những chính sách phát triển hợp lý.


Loại hình kinh doanh bán lẻ điện tử

Hiệu quả của kinh doanh bán lẻ điện tử không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà vào việc doanh nghiệp đó biết chọn công cụ hay phương tiện thương mại nào cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ vốn là thành phần chính của thị trường bán lẻ nước ta hoàn toàn có khả năng nhập cuộc theo phương thức hai trong một, dùng hệ thống cửa hiệu hay cửa hàng hiện hữu làm điểm tựa phát triển thương mại điện tử và đưa dần các nội hàm điện tử vào quản trị bắt đầu từ khâu quảng cáo đến bán hàng qua mạng và rồi đến cả thanh toán hoàn toàn trực tuyến.

Việc chọn loại hình đầu tư ban đầu rất có ý nghĩa như ta đã thấy qua các bước thăng trầm của các nhà phân phối điện tử (e-distributor) nổi tiếng như Amazon.com hay Dell.com. Được khai sinh từ 1995, ban đầu tập đoàn Amazon chỉ bán sách và vật phẩm văn hóa. Họ không đầu tư vào cơ sở vật chất mà hoàn toàn phát triển doanh thương trên môi trường mạng, kể cả đến nay khi hàng hóa của họ bao gồm hàng trăm chủng loại và các dịch vụ khác nhau.


Đưa cửa hiệu lên mạng xã hội Facebook.

Trước đó, năm 1985, Dell ra đời như một nhà sản xuất tự bán hàng của mình là các sản phẩm máy tính. Khi Internet được thương mại hóa vào năm 1990 và sau đó web trở nên phổ biến kể từ 1993, Dell đã nắm bắt cơ hội phát triển thị trường mạng song song với các đại lý ở các châu lục. Đến năm 2000 thì Dell qua mặt Compaq để trở thành nhà cung cấp máy tính hàng đầu. Hiện nay, với doanh số 50 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm, Dell được Fortune xếp vào một trong năm thương hiệu được đánh giá cao nhất trên toàn cầu (most admired).

Nhưng kỹ nghệ bán lẻ qua mạng sôi động hơn với các khu mua sắm điện tử thường được gọi là e-mall. Đó là những trang web thực hiện chức năng nhà trung gian điện tử (e-broker) giúp các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng. Đó không chỉ là một thứ chợ ảo thu phí hoa chi mà nhiều khi còn đóng vai người môi giới, chủ thầu gom hàng hay nhà trung gian thanh toán trực tuyến. Người mua khó phân biệt một nhà phân phối bách hóa như Amazon.com với chủ nhân các khu mua sắm điện tử như Internet Mall, Bestbook.bys.com hay Compare.net, bản thân Yahoo! hay Exite cũng có thư mục bán lẻ qua mạng. Điều này tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ muốn chuyên nghiệp hóa kỹ thuật bán hàng qua mạng. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam sớm ban hành chính sách thích ứng thì việc phát triển thị trường trung gian mua bán như eBay.vn sẽ rất khả quan và thương mại điện tử sẽ có bước tiến nhảy vọt.

Công cụ kinh doanh bán lẻ điện tử

Từ ý niệm gửi số điện thoại của cửa hiệu vào danh mục di động của khách hàng hay nhân viên phục vụ như tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch đến việc khai thác các công cụ chính quy của thương mại điện tử có thể là con đường không dài. Có ba loại hình công cụ đang được khai thác hữu hiệu bao gồm các trang web bán hàng, các mạng xã hội và điện thoại di động đặc trưng của thế hệ phương tiện xã hội.

Web bán hàng rất tiện dụng cho các nhà sản xuất tự bán hàng của mình đến tay người tiêu dùng qua một e-front (cửa hiệu điện tử chuyên ngành), cũng rất hữu ích cho các nhà chuyên nghiệp phân phối dưới dạng e-store (cửa hàng bách hóa điện tử), và hết sức cần thiết đối với các chợ trực tuyến gọi là e-mall (khu mua sắm điện tử) nơi mà người chủ chợ cũng là chủ nhân của trang web dịch vụ mua bán. Công cụ này đòi hỏi ba yêu cầu gồm uy tín, giản tiện và phổ biến. Uy tín là để hạn chế rủi ro cả về chất lượng lẫn thời gian giao hàng, giản tiện là để mọi người có thể vào ra coi hàng và mua sắm, và phổ biến để có thể thu hút đông đảo người mua kẻ bán. Trên thực tế có người thích đi mua sắm ở những chợ ảo có đông người đông hàng nhưng cũng có người thích tìm tòi ở các chợ chuyên ngành như ô-tô, máy tính hay bất động sản.

Hai loại hình mạng xã hội và phương tiện xã hội đang được khai thác ở mức bùng nổ vào việc bán buôn. Người ta sẽ còn chứng kiến những thăng trầm của hai loại hình này cho tới khi chúng được định vị trong nền thương mại điện tử bằng chuẩn mực các kỹ thuật tích hợp và chính sách áp dụng nơi mỗi nước. Trong nhiều trường hợp cả hai công cụ mới này chưa thể thực hiện cùng một lúc cả ba nội hàm điện tử gồm giới thiệu quảng cáo, mua bán phân phối và thanh toán trực tuyến. Nhưng việc sử dụng chúng để hỗ trợ một phần tiến trình mua bán đủ giúp cho doanh nghiệp tăng thêm doanh số, cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm nhẹ các chi phí nhất là lương nhân viên, kho bãi và vận chuyển dẫn tới chi phí bán hàng thấp và người tiêu dùng được mua với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến