Thương mại điện tử chính là một nguồn tài nguyên khổng lồ, không những nó không bị cạn kiệt khi được khai thác như các loại tài nguyên thiên nhiên mà trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và viễn thông phát triển như vũ bão, nó ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, bất cập chính là ở chỗ chúng ta quên khai thác nó hoặc mới chỉ khai thác được ở dạng bề mặt. Và tất nhiên, chúng ta đang lãng phí một “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế.
Chưa xác định được “trữ lượng”
Đó chính là quan điểm của ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) trong cuộc trao đổi với VnEconomy.
Ông Hải cho biết, chúng ta đã bắt đầu biết và làm quen với khái niệm thương mại điện tử từ năm 1997-1998 và ngày 15/9 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010, nhưng thực chất cho đến nay vẫn chưa có chính sách nào mang tầm cỡ vĩ mô cho việc khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ này.
Hằng năm, Vụ Thương mại Điện tử – cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối cho các chiến lược phát triển thương mại điện tử, đều thực hiện một công trình, tạm coi là sách trắng về thương mại điện tử. Trong đó, báo cáo sẽ tổng hợp các số liệu, thống kê về thương mại điện tử. Song, hiện tại các chương trình phát triển, các giải pháp cho việc khai thác tổng hợp số liệu, thống kê thương mại điện tử vẫn đang rối rắm và lộn xộn như một mớ bòng bong.
Do đó, đối tượng chính mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp và bản thân các cơ quan Nhà nước đều gặp không ít khó khăn.
Nhà báo người Mỹ Thomas L. Friedman, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế toàn cầu hóa cũng đã khẳng định trong cuốn sách xếp hạng best seller “The Lexus and Olive”: thương mại điện tử là một nguyên liệu quan trọng, như một tài nguyên, nó sẵn sàng cho bất kỳ ai khai thác, là cái chung ai cũng có thể nắm bắt, có thể biến nó thành tài sản của mình.
Giá trị từ thương mại điện tử
Vậy nguồn tài nguyên này sẽ mang lại cho doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức hiệp hội và hàng triệu cá nhân sử dụng nó những lợi ích gì? Ông Trần Thanh Hải cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có thể tận dụng nó, cụ thể là các phương tiện như website, email, các sàn giao dịch điện tử… như một công cụ quảng cáo vô cùng hữu hiệu mà chi phí bỏ ra rất nhỏ.
Ngoài ra, nó cũng được coi là phương tiện thay thế cho hàng loạt các loại hình giao dịch thông thường. Chẳng hạn, thay vì phải tìm cách này hay cách kia như gọi điện thoại, cử nhân viên đi thu thập thông tin, cập nhật thị trường, cơ chế chính sách mới…, chỉ cần thông qua các trang web đã có thể nắm bắt được tất cả những thứ đó, thậm chí có thể trực tiếp giao dịch mua bán và thanh toán qua hệ thống ngân hàng.
Tất nhiên, lợi ích mà thương mại điện tử mang lại rất nhiều mà đến cả cơ quan quản lý lớn nhất của Nhà nước về thương mại điện tử cũng chưa nắm bắt được toàn bộ.
Minh chứng cho nhận định trên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, phụ trách cổng thương mại điện tử quốc gia (Bộ Thương mại) cho biết: Thông qua cổng thương mại điện tử http://www.ecvn.gov.vn/, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ giao dịch và miễn phí hoàn toàn 3 năm.
Ngoài việc được hỗ trợ trực tuyến, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ ngoại tuyến bằng các hình thức chính sách, văn bản thông qua hệ thống cơ quan của Bộ Thương mại và các Thương vụ tại nước ngoài. Cổng thương mại điện tử quốc gia cũng như một “con triện” đảm bảo cho tính minh bạch, mức độ uy tín và khả năng thực của các doanh nghiệp khi đã được phép lên sàn. Hiện nay cổng thương mại điện tử đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia, dự kiến đến 6/2006 sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia.
Hiện không ít các doanh nghiệp đã tìm được bạn hàng xuất khẩu và xuất khẩu nhiều lô hàng có giá trị lớn thông qua sàn điện tử chính thống của quốc gia này. Cũng theo ông Tuấn, Ban quản lý cổng thương mại điện tử cũng liên tục cập nhật thêm những tính năng và hình thức hỗ trợ khác cho đơn vị tham gia.
Để cụ thể hơn, có thể lấy một vài điển hình cụ thể như xã chuyên trồng rau quả sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu – Nghệ An) vừa ra mắt trang http://www.quynhluong.gov.vn/ một cách rất chuyên nghiệp và bước đầu đã tạo nên những hiệu quả kinh doanh nhất định; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã sử dụng trang web của mình rất tốt, vừa là kênh quảng cáo, trao đổi thông tin, tư vấn khách hàng, giao dịch và liên lạc; hoặc như một công ty trong Bình Định đã ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp ở Hà Nội về phân urê…
Bên cạnh đó, hiện nay cả nước đã có khoảng 60 sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp và một số trong đó đã tạo được tiếng vang lớn. Ông Nguyễn Hòa Bình, quản lý sàn giao dịch chodientu.com khẳng định, các sàn chuyên nghiệp như chodientu.com chủ yếu dành cho loại hình giao dịch B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng), chỉ cần đăng ký và rao bán hàng hóa, sản phẩm thậm chí là thông tin tuyển dụng (hiện miễn phí) chắc chắn cơ hội thành công được nhân lên gấp bội so với việc chạy đôn chạy đáo đi tìm người cần mua, cần bán.
Khai thác thế nào?
Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để khai thác được hết tiềm năng của nguồn tài nguyên này mới thật sự đau đầu.
Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử cho biết, hiện vụ đang tiến hành 2 chương trình là điều tra hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, trước mắt là phục vụ cho việc soạn thảo Báo cáo thương mại điện tử 2005; chương trình thứ 2 là tiến hành xếp hạng các website thương mại điện tử hiện có.
Đây là những việc làm thực sự cần thiết nhằm tạo một “đòn bẩy” cho nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ hiện người tiêu dùng thật khó biết được website nào uy tín, trung thực và đáng tin cậy. Song, một khó khăn cần phải thừa nhận là Vụ Thương mại Điện tử tự làm những việc này nên chưa thể chính xác, diện chưa rộng, chưa đủ và phương pháp cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm xử lý chưa nhiều.
Cũng theo ông Hải, cái khó là hiện nay nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp còn hạn chế, đơn cử là các doanh nghiệp lập website chỉ như một thứ trang sức, vài tháng thậm chí cả năm trời mà giao diện trang chủ vẫn nguyên si, không có thông tin gì mới trong khi thông tin về chính sách, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường trong nước và quốc tế liên tục cập nhật, chi phí cho website cũng chanửg đáng bao nhiêu.
Trở ngại tiếp theo chính là thói quen giao dịch trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt của đa số doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ đó, họ ít khi nghĩ đến việc tìm kiếm thông tin và giao dịch, mua bán, thanh toán qua internet.
Trở ngại thứ ba, theo ông Hải là về chính sách, thủ tục hành chính. Đơn cử là việc lập website phải có được giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin. Một ngày có hàng chục doanh nghiệp lập website trong khi thời gian chờ phép khá lâu nên dễ xảy ra việc không xin phép (và thực tế hiện đa phần các website không phép).
Tất nhiên, sau giấy phép là yêu cầu về an toàn thông tin và vi phạm luật pháp, sai lệch về văn hóa tư tưởng. Song thực tế hàng trăm website mới có vài cái vi phạm, nếu vì 1- 2 cái đó mà làm chậm cho tất cả doanh nghiệp thì qúa lãng phí. Thậm chí cổng thương mại điện tử http://www.ecvn.gov.vn/ của Bộ Thương mại cũng phải xin phép rất lâu.
Theo các chuyên gia, mặc dù hiện trạng về khai thác thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều hạn chế, song việc phát triển và khai thác nó dường như là một con đương tất yếu. Bởi lẽ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, liên tục cập nhật công nghệ mới, khi dòng thông tin trôi qua internet không chờ một ai thì nếu không theo kịp và tận dụng được nó thì mỗi doanh nghiệp, cá nhân sẽ bị đẩy vào guồng máy đào thải.
Từ đó, hô hào chỉ là chuyện “lý thuyết”, còn những bài học nhãn tiền như những thất bại khi quên mất trong tay mình có thương mại điện tử hay là những thành công thực tế từ các doanh nghiệp biết tận dụng khả năng của thương mại điện tử như xã Quỳnh Lương, công ty Cổ phần Dược Hậu Giang… kể trên, có lẽ không ai có thể tiếp tục đứng ngoài cuộc. Cộng với những chính sách đang được cố gắng hoàn thiện, thiết nghĩ giá trị do thương mại điện tử mang lại sẽ không ảm đạm như hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét