ICTnews – “Cơn sốt” mang tên Taobao.com đã quét qua các trường đại học đưa hàng ngàn sinh viên cùng hàng trăm triệu người dân Trung Quốc trở thành "thương nhân Internet" thực thụ.
Suốt vài tháng qua, kể từ khi tốt nghiệp đại học, Yang Fugang đã dành toàn bộ thời gian của mình để quản lý gian hàng mỹ phẩm và các đồ lặt vặt được nhập từ các nhà máy trong vùng. Hiện tại, gian hàng của anh tại trang web Taobao.com đã có 14 nhân viên, 2 kho hàng.
Năm 2008, Yang đã kiếm được 75.000 USD từ công việc kinh doanh này. Khởi đầu bằng việc bán thảm tập Yoga, giờ đây gian hàng của anh bán chủ yếu đồ trang điểm và mỹ phẩm.
Theo nghĩa Trung Quốc, Taobao có nghĩa là “tìm kiếm của cải”. Cơn sốt Taobao đã quét qua các trường đại học, chỉ tính riêng trường của Yang, ¼ trong số 8.800 sinh viên đã có gian hàng riêng trên Taobao.
Tại Trung Quốc, hàng triệu người từ sinh viên, chủ tiệm cho đến người về hưu truy cập vào Taobao hàng ngày để mua bán quần áo, di động, đồ chơi. Họ còn nhận đặt hàng (đăng ảnh sản phẩm chụp từ shop để người mua chọn và đặt cọc tiền, sau đó gửi hàng tới người mua), thậm chí bán cả đồ ăn cắp từ nhà máy.
Các nhà phân tích Internet cho rằng, sự bùng nổ thị trường bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc khiến họ liên tưởng đến những ngày đầu mới khởi sự của eBay – website thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Mới đi vào hoạt động 6 năm, hiện tại Taobao có khoảng 120 triệu thành viên đang bày bán khoảng 300 triệu chủng loại sản phẩm khác nhau. Riêng trong năm 2008, tổng số tiền lưu thông qua các thương vụ trên Taobao đã đạt tới 15 tỉ USD.
Con số này lớn hơn bất kỳ một nhà bán lẻ nào tại Trung Quốc và các nhà phân tích cho rằng rất có thể doanh thu năm 2009 của Taobao sẽ vượt qua cả Amazone.com với ước tính lên tới 19 tỉ USD.
Giống với eBay, Taobao không trực tiếp bán hàng mà chỉ đóng vai trò cầu nối giữa người mua và người bán. Công ty làm ăn khá hiệu quả tại Trung Quốc bởi giao thông tại nhiều địa phương không thuận tiện và chính quyền vẫn “quản” rất chặt chẽ hệ thống cửa hàng bán lẻ. Tình trạng suy thoái toàn cầu khiến rất nhiều nhà máy bị tồn hàng, do đó Taobao chính là một cách giải phóng hàng tồn hiệu quả nhất.
Nhiều người thừa nhận Taobao đóng vai trò lớn trong sinh hoạt hàng ngày của họ, một sinh viên học tại Thượng Hải cho biết cô đã thấy một chiếc váy mang thương hiệu Hồng Kông được bày bán tại một cửa tiệm với giá 175 USD, tuy nhiên trên Taobao chỉ bán với giá 33 USD.
Tuy nhiên những người theo chủ nghĩa hoài nghi vẫn thắc mắc, Taobao có thể đem lại lợi nhuận thực sự và nổi lên như một trang web hùng mạnh?
Công ty không hề giao dịch thương mại công khai và do đó, không hề lộ ra bất kỳ một thông tin gì về tài chính. Các thành viên không phải đóng phí và công ty cũng chẳng hề kiếm lời từ các cuộc giao dịch trực tuyến. Trong số doanh thu 200 triệu USD của công ty, hầu hết kiếm từ quảng cáo và công ty đã chuyển số tiền này thành tiền chi cho hoạt động của trang web.
Nhiều người chỉ trích Taobao đã tiếp tay cho việc mua bán hàng giả, hàng nhái. Phớt lờ dư luận, Taobao tuyên bố mình đã có chương trình mới nhằm xóa bỏ nạn hàng giả một cách hiệu quả, đó là loại hơn 2 triệu hàng nhái khỏi website của mình.
Khi mới thành lập vào năm 2003, dường như chẳng có một cơ hội nào dành cho Taobao, eBay và EachNet, một đối tác của Taobao lúc đó đang nắm 90% thị phần mua hàng trực tuyến tại đây, nhưng ông Jack Ma, giám đốc điều hành Alibaba Group-công ty mẹ của Taobao , đã nhanh chóng chiếm lại thị phần bằng cách không thu phí giao dịch của các thành viên trong khi dịch vụ của eBay vẫn phải đóng phí. Giám đốc khu vực Trung Quốc của eBay đã chế nhạo chiến lược này và cho rằng miễn phí không phải là một mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, việc eBay rút lui khỏi thị trường Trung Quốc như một lá cờ đầu hàng Taobao, thị phần của eBay đã co lại và mất hoàn toàn, tính đến nay, Taobao chiếm 80% thị phần.
Thanh Vân (Theo NYTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét