Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tên miền quốc tế, Cuộc đuổi bắt không có đích ?

Đến nay đã có quá nhiều bài học xoay quanh việc bị mất tên miền khiến ý thức trong việc nhanh chóng sở hữu những tên miền quốc tế được nâng cao trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam để hướng phát triển thương hiệu trong tương lai không gặp phải vật cản. Còn với những tập đoàn, doanh nghiệp đã lỡ bị mất thì nay sẽ cố gắng làm mọi cách để những người sở hữu “trả lại tên cho em”. Nhiều chuyên gia dự đoán, chính từ những bài học trong quá khứ, và những diễn biến từ đầu năm đến nay, trong năm 2012 này, không ít các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước sẽ tiến hành nhiều cuộc thương thảo để mua lại tên miền quốc tế với dự kiến chi phí không hề nhỏ. Đem một câu hỏi đơn giản là có muốn sở hữu những cái tên quốc tế đáng nhẽ nên có không thì nhận được cái gật đầu của tất cả. Vinaphone, Viettel đều muốn mua lại tên miền của mình nhưng công cuộc này là không dễ. Netnam muốn mua lại tên miền quốc tế “Netnam.com” thuộc sở hữu của một người nước ngoài nhưng quá trình đàm phán vẫn chưa đi tới hồi kết vì giá quá cao cộng thêm sự rủi ro khi đăng ký lại chủ sở hữu.

Giá cả là một vấn đề, và khi bị ép giá thì vấn đề này càng trở nên khó khăn. Người cần thì luôn cần, còn kẻ sở hữu thì “ưng” giá mới thèm bán đã tạo thành một cuộc đuổi bắt mà không biết đích ở đâu. Chưa hết, một số người sở hữu còn sử dụng chiêu trò đó là “nhúng” những dịch vụ nhạy cảm, sản phẩm không liên quan hoặc của công ty đối tác vào nội dung thuộc tên miền sở hữu để “ép” người cần phải mua lại để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. Ở nước ngoài, “đại gia” như Apple cũng phải bỏ ra con số lên tới 4,5 triệu USD để mua lại “icloud.com”, Facebook đã phải trả tới 8,5 triệu USD để mua lại tên miền “Fb.com”; còn HSBC, Ebay khi đặt chân đến thị trường Việt Nam cũng phải mua lại tên miền “.com.vn” và “.vn” với cái giá không hề dễ chịu để bảo vệ thương hiệu của mình. Nhưng khi hội nhập, hướng phát triển vượt ra ngoài quốc gia, đôi khi cái giá phải trả quá đắt nhưng là đáng giá và cần thiết cho sự phát triển lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến