Việc tranh chấp tên miền trùng tên thương hiệu đang bùng phát nhưng chưa có sự thống nhất trong cách nhìn nhận, giải quyết.
Mới đây, một tập đoàn của Singapore với thương hiệu X. nổi tiếng về các sản phẩm nội thất bếp, bản lề… đã bị một đối tác cũ ra giá đòi 20.000 euro mới trả lại tên miền trùng thương hiệu X. Tập đoàn này không đồng ý và đã khởi kiện ra TAND TP.HCM.
Kiện vì trùng nhãn hiệu
Vụ tranh chấp tên miền ebay.com.vn giữa Công ty eBay Inc. (Mỹ) chuyên kinh doanh dịch vụ đấu giá qua mạng và thương mại điện tử, hiện là chủ nhãn hiệu hàng hóa “EBAY”, được đăng ký bảo hộ tại VN với Công ty TNHH Mộc Mỹ TP.HCM - chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền ebay.com.vn đến nay vẫn chưa đến hồi kết.
eBay đã đăng ký trên 2.500 tên miền có chứa cụm từ “eBay” trên khắp thế giới, trong đó có bảy tên miền đăng ký tại VN. Nhưng trong số đó không có tên miền ebay.com.vn.
Tương tự, các vụ khiếu nại việc cấp phát tên miền cấp hai “.vn” với các nhãn hiệu hàng hóa thương hiệu nổi tiếng như Heineken, Visa, Trung Nguyên, Tiger Beer, Ford... cũng đã xảy ra.
Đăng ký trước là được!
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã khuyến cáo rằng tên miền cấp hai dưới dạng .vn và cấp ba dưới dạng .com.vn là hay có tranh chấp nhất. Do vậy các doanh nghiệp, công ty nên đăng ký hai loại tên miền này để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và tên doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, VNNIC sẽ cấp tên miền cho những ai đăng ký trước.
Cũng theo VNNIC, tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Còn thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó… Như vậy, tên miền và thương hiệu là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Tuy nhiên, đăng ký tên miền trùng thương hiệu thực chất cũng là bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể.
Không thỏa đáng?
Hiện nay đang nở rộ tình trạng trục lợi bằng tên miền. Có hai xu hướng là “đầu cơ tên miền” hoặc “chiếm dụng tên miền”. Đó là việc đăng ký trước một số tên miền mà dự đoán, kỳ vọng sẽ chuyển nhượng được với giá trị lớn. Hay một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dàng đăng ký tên miền đi đăng ký trước với chủ đích khống chế một tên miền trùng của thương hiệu nổi tiếng nhằm lợi dụng uy tín thương hiệu đó để cạnh tranh. Hoặc từ đó gây cản trở việc quảng bá thương hiệu, gây áp lực buộc chủ thương hiệu nhận chuyển nhượng lại.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho biết Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ không xếp tên miền vào đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Nhưng luật nghiêm cấm hành vi đăng ký - chiếm giữ - sử dụng tên miền trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn thể hiện rõ khi chủ sở hữu tên miền nhưng không có quyền lợi nào liên quan đến tên miền đăng ký. Đồng thời, Thông tư số 10/2008/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định các hành vi sử dụng tên miền với ý đồ xấu nếu nhằm thực hiện một trong các hành vi như cho thuê, chuyển giao tên miền cho người chủ của nhãn hiệu thương mại dịch vụ.
Vì vậy, việc VNNIC áp dụng nguyên tắc “ai đăng ký trước được cấp trước” và “bình đẳng không phân biệt” khi giải quyết việc cấp phép hoặc giải quyết tranh chấp tên miền là chưa thỏa đáng và dẫn đến hệ lụy như thời gian qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét