Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Tranh chấp tên miền ở Việt Nam: Bài toán đã có lời giải?

- Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến hết tháng 12/2010, số tên miền đăng ký năm 2010 tăng trên 30% so với năm 2009, nâng tổng số tên miền .vn hiện duy trì đạt 127.364 tên miền.

So với các quốc gia ASEAN, số tên miền .vn của Việt Nam đã vượt qua tên miền .sg của Singapore (123.611) để vươn lên vị trí đứng đầu trong khu vực. Đây là một tín hiệu đáng mừng, song vấn đề đặt ra là, có bao nhiêu phần trăm số tên miền đã được đăng ký, đặc biệt là các tên miền quan trọng thuộc về chủ thể chính đáng?

Tên miền là “cánh cửa” quan trọng đầu tiên để các doanh nghiệp, tổ chức bước vào nền kinh tế mạng. Tên miền không chỉ là địa chỉ định danh của doanh nghiệp trên mạng internet mà còn là thương hiệu số - một loại tài sản vô hình của doanh nghiệp. Trong khi các đối tượng sở hữu trí tuệ rất đa dạng và thường trùng lặp giữa các quốc gia, nền kinh tế hoặc vùng lãnh thổ thì tên miền hoạt động dựa trên nguyên tắc duy nhất trên phạm vi toàn cầu. Chính nguyên tắc này và điều khoản quy định: “Ai đăng ký trước được cấp phát trước” của các cơ quan quản lý tên miền là căn nguyên chính dẫn đến tình trạng tranh chấp tên miền.

Do chậm chân trong việc đăng ký tên miền, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã không sở hữu được tên miền của mình. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, các tổ chức, doanh nghiệp nóng và dồn dập như thời gian qua. Điển hình là các vụ tranh chấp liên quan đến là tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như: ebay.com.vn, ibm.com.vn: visa.com.vn, anz.com.vn, toyotavn.vn, camry.vn, innova.vn, sprite.com.vn, coke.com.vn, fanta.com.vn, olay.com.vn, heineken.vn, bayer.vn, bitis.vn, samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, visa.com.vn, …; liên quan tới tên tổ chức, doanh nghiệp như nld.vn, nguoilaodong.vn, mhb.vn, habeco.vn, tvad.vn…

Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng tranh chấp tên miền là do các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện chính sách bao vây khi đăng ký. Họ cho rằng chỉ cần 1 tên miền để xây dựng website cho doanh nghiệp là đủ và bỏ ngỏ tên miền với các đuôi còn lại hoặc những tên miền có cách viết, cách đọc tương tự. Nhận thức phiến diện trên của chủ thể các tên miền đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khác đăng ký những tên miền còn sót đó để đầu cơ hoặc sử dụng vào những mục đích không chính đáng. Đến lúc doanh nghiệp nhận thấy những thiệt hại vì không đăng ký đầy đủ hoặc hay tin các tên miền đó bị sử dụng vào mục đích xấu gây tổn hại cho doanh nghiệp thì mới bắt đầu khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền để giành lại tên miền. Có rất nhiều dẫn chứng về tranh chấp tên miền do sự chủ quan, lơ là của các chủ thể trong việc đăng ký tên miền như: Ebay chỉ đăng ký ebay.vn mà bỏ qua ebay.com.vn, Bitis đã đăng ký bitis.com.vn và bitis-vn.com.vn nhưng bỏ qua bitis.vn, Heineken chỉ đăng ký heineken.com.vn mà bỏ qua heineken.vn, Navigos Group rất nổi tiếng với trang tuyển dụng vietnamworks.com cũng đã bỏ sót tên miền vietnamwork.com và vietnamworks.com.vn…

Những thiệt hại do không thực hiện chính sách bao vây là rất lớn, không chỉ về tài chính, thời gian mà cả thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức. Điển hình là vụ nhái website của Hapulico. Công ty Hapulico đã đăng ký các tên miền hapulicocomplex.vn và hapulicocomplex.com.vn và đưa vào sử dụng, nhưng lại bỏ sót tên miền hapulicocomplex.com. Đến ngày 28/3/2011, Hapulico đã phát hiện website hapulicocomplex.com đưa những tin thất thiệt về công ty. Vụ việc đã được điều tra, giải quyết nhưng những tổn hại về uy tín thương hiệu doanh nghiệp là khó có thể lấy lại được. Ngoài ra, có một số vụ tranh chấp tên miền đến nay vẫn chưa giải quyết được, nổi cộm vụ tranh chấp liên quan đến tên miền ibm.com.vn, saigontourist.com…, bởi hiện tại, tên miền ibm.com.vn đang được trỏ tới website Công ty Tin học Gia Hào, còn saigontourist.com trỏ tới website của Asia Pacific Travel.

Nguyên nhân nữa là do sự quản lý lỏng lẻo của chủ thể tên miền. Khi tên miền đến hạn duy trì, chủ thể không đóng phí duy trì sẽ bị thu hồi tên miền và các cá nhân, tổ chức khác có cơ hội đăng ký tên miền đó. Cũng có trường hợp, do ủy quyền cho một đơn vị thứ ba đi đăng ký và theo dõi tên miền mà không quản lý về việc đơn vị được ủy quyền đó là đơn vị nào, phạm vi ủy quyền đến đâu. Nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD) là minh chứng điển hình cho trường hợp này. NXB GD đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan tới tên miền nxbgd.com.vn. Tuy nhiên, trước thời điểm hết hạn, VDC đã gửi giấy báo thanh toán và liên hệ (email, điện thoại) với Công ty Văn Lang nhắc nhở nộp phí duy trì tên miền nxbgd.com.vn nhưng không nhận được phản hồi.

Hiện nay, Trung tâm trọng tài Quốc tế và tòa án đang đảm nhiệm việc giải quyết các tranh chấp tên miền. Các cơ quan này chỉ giải quyết các tranh chấp đã xảy ra. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức muốn lấy lại tên miền mà ngại phiền hà về thủ tục pháp lý và mất thời gian nên đã thỏa thuận ngầm với người đăng ký để mua lại với giá chênh lệch. Điều này dẫn đến sự không minh bạch, lành mạnh trong việc đăng ký và sở hữu tên miền, gây ra nhiều rủi ro cho cả hai bên. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước lại chưa có lộ trình để xây dựng khung hành lang pháp lý chuẩn, truyền thông về vai trò quan trọng của tên miền đến các doanh nghiệp, tổ chức và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia này.

Micronet đã và đang tổ chức Chương trình “Bảo vệ tên miền Việt Nam”. Đây là chương trình thường kỳ của Micronet, nằm trong định hướng tuyên truyền và Bảo vệ thương hiệu Quốc, được đặc biệt đẩy mạnh trong hai tháng 5 và 6 năm 2011.

Trong thời gian qua, Micronet đã tiến hành bảo vệ và chuyển giao tên miền cho Jaguar Cars Limited (jaguar.com.vn), Tập đoàn Bitexco (Bitexcoland.com.vn, Themanor.com.vn, Thegarden.com.vn), Chương trình Giờ Trái Đất (Giotraidat.vn, Giotraidat.com.vn, Earthhour.vn, Earthhour.com.vn), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Vannghequandoi.vn)… Hiện tại, Micronet cũng đang bảo vệ hàng trăm tên miền cho các tổ chức, doanh nghiệp quan trọng khác của Việt Nam như Vietcombank.vn, Agribrank.vn, VPBank.vn... và sẽ chuyển giao cho chính chủ nếu họ có ý định nghiêm túc về phát triển thương hiệu trên môi trường internet. Bởi theo quan điểm của Micronnet: “Nếu như các công dân, các doanh nghiệp Việt Nam mà không có ý thức đăng ký và bảo vệ những tên miền này sẽ bị người nước ngoài cũng như các tổ chức nước ngoài đăng ký mất dẫn đến thất thoát tài nguyên số của Đất nước, nguy hiểm hơn là làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của việc quảng bá Thương hiệu Quốc gia trên mạng internet toàn cầu”.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phấn đấu đến năm 2015, 80% doanh nghiệp lớn có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Con số này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 45%. Nếu các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được vai trò quan trọng của việc đăng kí và sở hữu tên miền thì lộ trình này còn xa mới đạt được. Trong trường hợp các tổ chức doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách đăng kí và bảo vệ tên miền, xin mời tham gia chương trình BVTM do Micronet khởi xướng.

Nguồn:ictworld.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến