Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Coi trọng tên miền như thương hiệu của bạn


Nên đăng ký tên miền như một thương hiệu, đó là lời khuyên của ông Trần Việt Hùng Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đối với các doanh nghiệp khi đăng ký tên miền.

Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ ASEAN và châu Âu ( HIPOC 6).

Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ ASEAN và châu Âu đã diễn ra trong hai ngày 13-14/1 tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy việc chia sẻ công việc giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ, tích hợp kết quả hợp tác giữa các cơ quan này vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế lên tầm chiến lược mới.

Đơn đăng ký sáng chế tăng 15-10%

Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, mỗi năm Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhận được hơn 3.000 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, 2.000 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và gần 30.000 đơn đăng ký nhãn hiệu. Đơn vị này đã cấp 800 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, hơn 1.200 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và gần 23.000 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Do đó, thời gian này, các bên liên quan đang tiến tới chương trình tăng cường năng lực thẩm định sáng chế, sử dụng kết quả của nước đã tiến hành trước để áp dụng cho các nước khác. Việc làm này sẽ nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý và đỡ tốn thời gian cho người đăng ký bằng sáng chế.

Tại HIPOC 2011, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và EPO đã ký bản ghi nhớ hợp tác. Bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cấp quan hệ hợp tác giữa EPO và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Bản lên tầm chiến lược, đặt nền tảng cho quan hệ hợp tác chiến lược với khu vực ASEAN. Hợp tác song phương giữa Việt Nam và EPO được bắt đầu từ năm 2006 khi Thỏa thuận hợp tác đầu tiên được hai Bên ký kết và có hiệu lực đến hết năm 2010.

HIPOC được tổ chức từ năm 2003 và đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao hợp tác về sáng chế trong khu vực ASEAN. Hội nghị năm nay với chủ đề “Nâng cấp quan hệ hợp tác ASEAN - EPO lên tầm chiến lược” sẽ rà soát tình hình hợp tác EPO - ASEAN hiện tại và đưa ra những định hướng cho hợp tác trong tương lai.
Ông Trần Việt Hùng cũng cho biết, thách thức chung của việc cấp bằng sáng chế là số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm tăng 15 – 20 %.

Trong khi đó phải mất 2 – 3 năm để cấp được một bằng sáng chế. Hơn nữa, hiện tại vì nhân lực ít, hệ thống tra cứu dữ liệu sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà ở phạm vi toàn thế giới còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cập nhật thường xuyên, do đó mất rất nhiều thời gian để cấp được một bằng sáng chế. Nếu văn bằng cấp ra không đảm bảo chất lượng sẽ gây rất nhiều khó khăn, phiền phức cho đơn vị, cá nhân đăng ký.

Hội nghị này tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ hợp tác song phương cũng như hợp tác khu vực, đặc biệt là thúc đẩy việc chia sẻ công việc giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ và tích hợp kết quả hợp tác giữa các cơ quan này vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế lớn hơn, ví dụ như việc chia sẻ công việc trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) do WIPO quản lý.

Nên đăng ký tên miền như một thương hiệu

Đó là lời khuyên của ông Trần Việt Hùng đối với các doanh nghiệp khi đăng ký tên miền. Liên quan tới câu chuyện lình xình Vincom và Vincon mới đây, theo ông Hùng, Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ các nhãn hiệu đã đăng ký và Công ty Vincom đăng ký từ trước. Việc một doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu tên là Vincon, thay chữ M bằng chữ N và một điều đặc biệt là cùng sử dụng trong lĩnh vực bất động sản rõ ràng là vi phạm. Và công ty này đã bị thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ xử phạt.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp cũng quy định, tất cả tên doanh nghiệp đặt ra đều không được vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Ông Hùng cũng cho rằng, quy định này rất phù hợp với thời điểm hiện nay, khi các doanh nghiệp ra đời sau nhưng đặt tên na ná hoặc trùng với một hãng nổi tiếng từ trước. Đây là sự bất công và luật pháp trên thế giới không chấp nhận như vậy.

Mặc dù, trong Luật không bắt buộc phải tra cứu các đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu khi đặt tên doanh nghiệp, song đơn vị đặt tên phải chịu trách nhiệm về điều đó và nếu có nảy sinh thì sẽ không được tiếp tục sử dụng tên đó nữa. Về vấn đề tên miền, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, nếu một tên miền đụng chạm tới một nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó tại Việt Nam thì sẽ được coi là cạnh tranh không lành mạnh và bắt buộc bên vi phạm phải chấp nhận xóa tên.

(Theo Pháp luật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến