Ngay sau khi được tự do đăng ký, nhiều tên miền cấp 2 .vn (cấp quốc gia) liên quan đến thương hiệu của những tổ chức tài chính lớn trong nước như vcb.vn, vietcombank.vn, military.vn, vib.vn... đã được cấp phát cho những công ty thương mại điện tử. |
| Công ty Sức mạnh Đồ họa (Hà Nội), đơn vị đang nắm giữ nhiều domain cấp 2 gắn với tên tuổi của các ngân hàng trong đợt đăng ký vừa qua, cho biết họ đang xây dựng một chương trình hoạt động kinh doanh mới liên quan đến lĩnh vực thương hiệu. Vì vậy họ cần những domain đó. Tuy nhiên, rất nhiều công ty khác cũng sở hữu những tên miền kiểu như vậy, thậm chí có dấu hiệu về đầu cơ để bán.
Một số người thậm chí e rằng, với mặt bằng hiểu biết về công nghệ thông tin trong nước như hiện nay, sự na ná giống nhau của các tên miền còn có thể bị lợi dụng vào những hoạt động tiêu cực trên mạng, chẳng hạn lừa đảo, phishing, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản... Ví dụ, khó có thể nhận ra ngay sự khác biệt trong phần mở rộng địa chỉ e-mail @vietcombank.com.vn của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với thông điệp được gửi đi từ địa chỉ @vietcombank.vn. Với việc không đăng ký được tên miền cấp 2, Ngân hàng Quân đội (Military Bank), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank) cũng đang để thương hiệu của mình... phục vụ hoạt động kinh doanh cho các công ty thương mại điện tử đã nhanh chân giành được domain liên quan.
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cơ quan có nhiệm vụ quản lý và khai thác tên miền quốc gia, việc tiến hành cấp phát những domain .vn trên được tiến hành theo đúng tinh thần "đăng ký trước, xét cấp trước". Ông Nguyễn Duy Dương, chuyên viên phòng Kinh doanh - Thống kê của VNNIC, cho biết trước khi tiến hành cấp phát tự do vào ngày 14/8, tên miền cấp 2 .vn đã có 2 giai đoạn ưu tiên cấp phát cho những tổ chức, đơn vị kinh doanh có thương hiệu được đăng ký tại Việt Nam hoặc đã đăng ký tên miền cấp 3. Những ngân hàng trên đều được thông báo về việc đăng ký. Tuy nhiên, VNNIC không nhận được phản hồi trong thời gian ưu tiên nên việc cấp phát phải được tiến hành theo đúng quy định.
"Các ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của mình. Không có cơ sở nào để VNNIC 'giữ chỗ' cho họ trong khi những đơn vị khác muốn đăng ký lại không được", ông Dương nói. Người đại diện của VNNIC cũng khẳng định sẽ thu hồi những tên miền đã cấp phát và xử phạt chủ thể "nếu có những bằng chứng cụ thể về việc đầu cơ".
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của các ngân hàng là thủ tục hành chính quá lâu. Trao đổi với VnExpress, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại một ngân hàng cho biết họ đã có thông tin và làm thủ tục đăng ký. Nhưng thời gian hồ sơ xét duyệt đi theo đường văn thư qua các bước kế hoạch, kinh phí, ra quyết định mất ... hơn 1 tháng. Đến khi nộp hồ sơ mới biết tên miền đã được cấp phát rồi. Một số ngân hàng khác hoàn toàn không nắm được thông tin này cho đến khi được hỏi.
Sự chậm trễ của các ngân hàng khiến vấn đề trở nên khá phức tạp. Nếu căn cứ vào quy định hiện hành về việc khai thác và sử dụng tên miền thì chưa có giải pháp nào tỏ ra hữu hiệu để tháo gỡ vấn đề. Các ngân hàng cũng không thể đàm phán để mua lại vì quy định chưa cho phép mua bán tên miền. Nếu chủ thể ngừng đăng ký sử dụng để "nhường" lại tên miền thì cũng chưa chắc các ngân hàng sẽ là chủ thể tiếp theo được cấp phát theo tiêu chí "đăng ký trước, xét cấp trước".
Để tránh được những rắc rối tương tự, các chuyên gia khuyến cáo chủ thương hiệu nên phối hợp chặt chẽ với các công ty đảm nhiệm vai trò nhà đăng ký. "Nắm bắt những vấn đề đặc thù công nghệ thông tin là việc không dễ dàng đối với một bộ phận cán bộ tại ngân hàng. Cán bộ cấp cao có quyền quyết định lại không có thông tin. Cán bộ cấp dưới có thông tin nhưng lại phải đệ trình nhiều cấp", ông Trần Ngọc Quang, Trưởng phòng Dịch vụ tên miền Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), một trong những đại lý đăng ký tên miền của VNNIC, nói. "Bù lại, nhà đăng ký luôn có bộ phận chuyên trách phục vụ khách hàng của mình. Kết hợp tốt sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được những tổn hại về thương hiệu của mình trên môi trường điện tử".
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét