"Có ai yêu mà đánh vợ, yêu mà cặp bồ hết người này người kia để chọc tức vợ mà không phụ vợ một hạt gạo nuôi con?".
Năm 1990, anh và chị chính thức nên duyên vợ chồng. Cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng êm đềm hạnh phúc. Chị ở nhà nội trợ, anh đi phụ người ta trông nom hồ cá. Thu nhập mỗi tháng chỉ hơn một triệu đồng, nhưng anh mang cả về cho vợ vun vén, chi tiêu. Khi đứa con thứ hai chào đời vào năm 1996, cuộc sống ngày một khó khăn, túng quẫn, chị bàn với chồng chuyện muốn đi làm và được anh đồng ý.
Từ đó, ban ngày chị đi giúp việc theo giờ, chiều tối, chị bồng con, mang xấp vé số, giỏ trái cây rong ruổi bán khắp các nẻo đường. Giỏi chịu khó làm lụng nên thu nhập của chị vượt hẳn số tiền định kỳ hàng tháng anh góp. Cứ ngỡ chồng lấy đó làm vui, nào ngờ anh ngày càng ỷ lại, không mang tiền về cho vợ nữa. Thay vào đó, anh "đốt" lương mình theo những cuộc ăn nhậu, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, chỉ khi nào hết mới chịu quay về. Chị im lặng, nín nhịn và… sinh tiếp đứa thứ ba, với suy nghĩ ngây ngô rằng có thể kéo anh về với gia đình, trở lại là người chồng, người cha có trách nhiệm.
Nhưng kỳ vọng của chị đã không thành hiện thực. Hậu quả của thói cờ bạc, rượu chè bê tha là anh bị sa thải. Không tìm được việc mới, anh về… giữ con để chị đi làm. Những mâu thuẫn, xích mích cũng nảy sinh từ đây. Cuộc sống tứ bề khốn khó với con mọn, chồng thất nghiệp khiến vợ chồng thường xuyên cáu bẳn, cãi vã. Mỗi khi bất đồng, anh còn hay giở thói vũ phu, đánh đập vợ, chị phải nhờ tổ dân phố hòa giải nhiều lần. "Thấy tui hay méc tổ dân phố, ổng càng làm tới. Một lần tui vừa đi báo xong, về đến nhà là ổng lao vào đạp từ trên xuống, tui phải đi may mấy mũi", chị kể.
Năm 2010, trước sức ép của chồng, chị đồng ý bán căn nhà cấp bốn được cha mẹ hai bên gom góp xây cho sau đám cưới. Số tiền chia đều, anh ta lại "đốt" phần mình trong rượu chè, cờ bạc. Sợ mất trắng phần còn lại, chị từ TP.HCM về Long An, mua một căn nhà nhỏ rồi đưa các con về sống, cũng là cách chạy trốn những cơn bạo hành của chồng. Anh ta về ở với bố mẹ. Họ chính thức ly thân.
Tưởng chuyện đã yên, nào ngờ, hàng tuần, anh kiếm cớ xuống thăm con nhưng mục đích duy nhất là đi rình "bắt" ghen vợ rồi về hành hạ, đánh đập. Dù thực tế chị không ngoại tình, chỉ vì muốn kiếm tiền nuôi con ăn học nên xin đi làm tại một xưởng giày, thường xuyên tăng ca phải đi sớm về khuya. Sau nhiều lần "bắt" ghen không thành nhưng vẫn đánh đập vợ, anh ta chuyển sang "bắt" các con về TP.HCM ở với mình. Chưa dừng lại, biết vợ đi làm vắng nhà, anh thường đưa các cô nhân tình về sống ngay trong căn nhà ở Long An. Chị viết đơn ly hôn. TAND Q.Bình Tân, TP.HCM mở phiên xét xử.
Tại đây, anh trình bày rằng mọi hành động của mình đều là nỗ lực níu kéo cuộc hôn nhân, muốn vợ chồng, con cái sum họp. Anh giải thích: "Đưa mấy cô về chẳng qua chỉ muốn… vợ ghen mà suy nghĩ lại. Tui đánh vợ vì bản thân trong hoàn cảnh đó không làm chủ được. Nay tui còn yêu vợ, nghĩa vợ chồng mấy chục năm qua đã xây dựng nên không muốn ly hôn". Tòa tuyên không ly hôn. Chị kháng cáo.
Phiên phúc thẩm diễn ra sáng 19/12 tại TAND TP.HCM, chỉ một mình chị đến. Hai lần triệu tập anh không thành, tòa tuyên xử vắng mặt. Trình bày với tòa, chị cho biết những cơn bạo hành, tình cảm vơi hao, cạn kiệt theo thời gian dẫn đến vợ chồng ly thân, gần mười năm không "đụng chạm" gì nhau đã không được cấp sơ thẩm xem xét.
Ngay khi biết chị kháng cáo, anh thường gọi cho chị để rồi chị nghe bên kia luôn luôn là giọng nữ, có khi xưng là luật sư, giáo viên, doanh nhân… đang yêu và sống với anh, cốt để chị ghen hoặc chọc tức chị. Song điều đó càng khiến chị chua xót, bởi anh còn quá nhiều hận thù, tức tối với vợ. Nay chị chỉ muốn được yên, không bị anh quấy rầy và trên hết vẫn là ổn định cuộc sống để đi làm nuôi con nên muốn thực sự chia tay bằng một phán quyết của tòa. Vị chủ tọa phản biện rằng, qua xác minh, thấy anh có vẻ thiết tha mong vợ chồng sum họp vì còn yêu vợ lắm, chị đáp: "Có ai yêu mà đánh vợ, yêu mà cặp bồ hết người này người kia để chọc tức vợ mà không phụ vợ một hạt gạo nuôi con?".
Tòa tuyên ly hôn. Chị mỉm cười mà đưa tay gạt nước mắt, rối rít cảm ơn hội đồng xét xử đã cảm thông cuộc sống ngục tù. Chị nói: "Còn là vợ chồng thì dù ly thân, ổng vẫn đánh đập, nhục mạ tui bất cứ lúc nào. Tòa cho ly hôn, ổng có làm gì, tui còn dễ dàng nhờ pháp luật can thiệp hơn".
Theo: Afamily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét