Đã có thêm 3 người bị "thần xà" nhập. Hơn 160 triệu đồng đã được quyên góp để làm lễ cúng theo yêu cầu của "thần xà".
Sau cánh cổng này, người dân Vạn Phúc đang xôn xao chuyện "thần xà" nhập.
Thực tế, người tin thì sẽ có ma, người không tin sẽ không bao giờ nhìn thấy ma. Thế nhưng, những chuyện xảy ra trong 10 ngày qua khiến cho người không tin cũng phải tin.
Đúng một tuần sau khi bài báo ""Thần xà" nhập đòi cúng... bò" ở phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội đăng, chuông điện thoại của tôi báo có cuộc gọi từ số máy ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường: "Chúng tôi quyết định đứng ra làm lễ ngày 28 tháng Giêng tới rồi. Mới có mấy ngày mà nhiều chuyện lạ xảy ra quá! Lại thêm mấy trường hợp bị "thần nhập" đấy!".
Sự "lạ" của ông Trưởng ban Ban Quản lý di tích
Đương nhiên, tôi bất ngờ về thái độ của ông, bởi trong lần gặp cách đây một tuần, ông thẳng thắn: "Về phía Ban Quản lý tôn tạo di tích, tôi khẳng định là không cấm đoán việc người dân làm lễ nhưng Ban sẽ không đứng ra làm lễ, vì làm như thế là cổ xúy cho mê tín dị đoan, không có cơ sở gì để mà làm". Nghĩa là, ông còn hồ nghi, gạt đi khi tôi gợi chuyện "thần xà" nhập vào chị Triệu Ngọc Ánh tối hôm rằm tháng Giêng vừa qua vì cho đó là "trò mê tín".
Thế nhưng, ông Thủy lại là người bất ngờ hơn cả với sự thay đổi thái độ của chính mình. Ông vốn là người gốc Vạn Phúc, đã từng kinh qua nhiều đơn vị công tác ở địa phương và như ông tự nhận, ông theo chủ nghĩa vô thần, không tin vào mấy trò thần thánh, ma quỷ dù trước đó, tận mắt ông đã chứng kiến có trường hợp người trong làng ra miếu làm lễ khấn vái rồi nhảy múa, "ăn nói linh tinh như lên đồng". Cho đến khi xảy ra chuyện tối hôm rằm tháng Giêng, ông vẫn khảng khái: "Thú thực, tôi không trực tiếp chứng kiến nên cũng không tin vào chuyện này". Vậy, điều gì đã khiến ông Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường thay đổi thái độ nhanh đến thế? Tôi cho đó quả là một sự "lạ".
Ông thừa nhận, nguồn cơn sự thay đổi ấy là từ những câu chuyện chắp nối trong vòng chưa đầy mười ngày qua. Đương nhiên, người tận mắt chứng kiến nhiều nhất vẫn là ông Nguyễn Duy Diễm, thủ nhang tại miếu.
"Thần nhập"... dây chuyền?
Gặp lại tôi tại khuôn viên miếu Vạn Phúc, ông Diễm ra chiều bí hiểm. Cũng phải thôi, bởi từ sau hôm rằm tháng Giêng đến giờ, ông đã tận mắt thấy ba người đều có biểu hiện của "thần xà" nhập ngay tại miếu. "Vừa cách đây 30 phút có trường hợp bị "thần nhập" đấy", ông mở đầu câu chuyện cùng những người hiếu kỳ vây xung quanh.
Theo đó, sáng 5/3, chị Hoan cùng mẹ ruột vào miếu làm lễ. "Lúc bà Đông, mẹ chị Hoan ra thắp hương thì chị ấy ngồi ở ghế trong nhà Quản cư. Lúc đó có chừng chục người, cả cánh thợ xây tu sửa lại cây thờ dưới gốc đa và những người đến làm lễ. Nhìn chị ấy hãi lắm, mắt trợn trừng, lưỡi lè dài ra", ông Diễm thuật lại.
Chị Thủy - người trực tiếp chứng kiến vụ việc cho biết thêm: "Tôi đang ở nhà bán hàng, nghe người ta kháo nhau có người bị "thần nhập" ngoài miếu là chạy ra xem thì thấy chị Hoan đang nói: "Nóng quá! Nóng quá! Phải xây ngay cho ta một bể nước để ta tắm", rồi thì "Thờ ta là phải thờ bằng thịt và trứng đấy!" làm chúng tôi được phen hoảng hồn. Chừng hơn chục phút sau, chị ấy tỉnh lại. Hỏi thì chị ấy chẳng biết chuyện gì vừa xảy ra, sau đó chị ấy lấy xe máy đi như thường".
Trước đó, cách đây hai ngày, theo xác nhận của ông Diễm, có trường hợp chị Vân ở tổ Chiến Thắng cũng bị "thần xà" nhập. Ông kể: Khoảng gần 6h chiều hôm kia, hai mẹ con chị Vân ra thắp nhang ở miếu. Vừa ngồi khấn vái một lát thì chị Vân lăn đùng ra, nói rằng 28 này phải làm lễ tế thần và dặn "nhất là người họ Đỗ phải ra lễ từ sớm".
Ngoài trường hợp chị Triệu Ngọc Ánh bị "thần nhập" tối hôm rằm tháng Giêng, đòi cúng một con bò mà ông Diễm trực tiếp chứng kiến thì còn một trường hợp khác ở tổ Hạnh Phúc. "Tuy nhiên, lúc đó tôi không có ở miếu mà chỉ nghe người ta thuật lại thôi", ông Diễm cho biết.
Việc chỉ trong vòng mười ngày mà có tới bốn trường hợp bị "thần nhập", trước sự chứng kiến của nhiều người thật sự là một điều lạ, trước nay chưa từng có ở Vạn Phúc. Những người không tin chuyện thần thánh vẫn cho rằng đó chỉ là trò lừa phỉnh, "té nước theo mưa". Còn những người tín thì thêm một lần nữa tin vào thần thánh, tin vào sự linh thiêng "vì thấy con cháu chưa tin hẳn nên thần đã nhập vào nhiều người, để khi nào tất cả mọi người đều tâm phục khẩu phục mới thôi" như lời phỏng đoán của mấy bà, mấy cô đến miếu lễ và nghe chuyện ông Diễm kể.
Gốc đa trong khuôn viên miếu Vạn Phúc được cho là nơi trú ngụ của "thần xà".
Từng nhìn thấy "thần xà" (?)
Chắp nối những câu chuyện trên với lời đồn đại về việc nhìn thấy "thần xà", người ta lại càng tin rằng thần có thật. Người được cho là có cơ may gặp "thần" là ông Nguyễn Văn Minh.
Ông Minh từng làm thủ nhang tại miếu Vạn Phúc từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2012. Ông bảo, chuyện người dân bị "thần xà" nhập, ông không lấy làm lạ. Ông kể lại: "Hồi tháng 3/2009, nhà Quản cư tại miếu đang được dựng để chuẩn bị chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi được giao ở lại miếu trông nom vật liệu. Vậy nên, gần như cả đêm không được ngủ. Đêm ấy, khoảng 2h sáng, tự nhiên tôi thấy từ trong hốc cây đa cổ thụ có một con rắn dài chừng 3m, giữa bụng màu trắng ngà, trên lưng có những gai màu tro, dọc hai bên sống lưng màu vàng đậm, to như bắp đùi người lớn. Rắn vươn cổ cao chừng 40 phân, trườn quanh khuôn viên miếu rồi lại chui vào hốc đa. Sự việc diễn ra chừng nửa tiếng. Đó cũng là lần duy nhất tôi nhìn thấy "thần" hiển linh".
Đến thời điểm này, ông Minh cũng là người duy nhất ở Vạn Phúc được cho là đã nhìn thấy "thần xà".
Những ngày này, miếu Vạn Phúc luôn có người đến làm lễ, góp tiền công đức.
Tự dưng vỡ đồ vì không nhận lễ
Trở lại câu chuyện với ông Đỗ Xuân Thủy, khi nghe tôi hỏi lý do Ban Quản lý tôn tạo di tích quyết định đứng ra chủ trì buổi lễ ngày 28 tháng Giêng tới đây, ông thừa nhận: "Lúc ấy là vì vẫn chưa rõ ràng, không tin lắm, nhưng giờ thì thật sự tin rồi".
Sự "tin" của ông Thủy càng chắc chắn hơn khi có một câu chuyện ly kỳ không kém. Ông xác nhận, đó là trường hợp chị Thơm ở tổ dân phố Hồng Phong. Theo đó, chị Thơm được tin tưởng giao nhiệm vụ giữ tiền công đức của nhân dân để làm lễ vào ngày 28 tới. Nhưng hôm đó, thu được chừng 120 triệu đồng, chị Thơm mệt rồi nên định gấp sổ lại và bảo những người đến công đức mang tiền ra ngoài miếu. Vừa nói xong thì tự nhiên đồ đạc trong nhà như phích nước, tách, chén vỡ. Cửa nhà lại bị kẹt, không tài nào mở được. Người ta khuyên chị ấy thu tiền công đức tiếp đi thì lạ lùng thay, khi chị Thơm vừa mở sổ, bắt đầu ghi danh người đóng tiền thì cửa lại mở được.
Câu chuyện "thần nhập" theo dây chuyền khiến người dân Vạn Phúc đang xôn xao. Vẫn có những người nghi ngờ song điều ấy cũng không cản trở việc hằng ngày, người ta ra vào miếu nườm nượp để quyên góp, phục vụ cho buổi lễ "thần" vào ngày 28 âm lịch tới.
Tuy nhiên, thực hư câu chuyện "thần nhập" theo dây chuyền này thế nào?
theo: Kiến Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét