Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Đối phó với bé hay ăn vạ

(PNN) - Con cứ như Chí Phèo thế thì bố mẹ nào cũng dễ stress và mệt mỏi!
Vào 9 giờ sáng thứ 3, 5, 7 hàng tuần, Topic Hỏi - đáp cùng mẹ Cún sẽ chia sẻ và giải đáp các thắc mắc của các mẹ về việc nuôi dạy và giáo dục con.

Hỏi: Gần đây, con trai tôi (2,5 tuổi) rất hay mè nheo, làm nũng bố mẹ. Bé hay ăn vạ và thường đòi cái này cái kia nhưng đến khi bố mẹ đưa cho lại lắc đầu quầy quậy đòi cái khác, không được lại khóc toáng và dậm tay dậm chân rất tội nghiệp. Không những thế, cháu thật sự muốn cái gì lại không nói ngay. Ví dụ, đêm dậy chỉ để đi tiểu nhưng cũng phải khóc lóc mãi mới nói nhu cầu chính.
Vợ chồng tôi đã thử ‘trăm phương, nghìn cách’ từ cứng rắn đến mềm mỏng nhưng dường như vẫn không hiệu quả. Tình trạng con chống đối, ăn vạ diễn ra như cơm bữa khiến cả tôi và chồng đều cảm thấy mệt mỏi. Tôi nên làm gì đây? Xin tư vấn giúp tôi.
Hải Yến (Hải Dương).
Cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng khi thấy con ăn vạ và hay mè nheo. (Ảnh minh họa).

Trả lời: Bé của bạn đang ở độ tuổi ‘khủng hoảng tuổi lên 3’ nên sẵn sàng ‘bùng phát’ những hành động, việc làm gây căng thẳng cho cha mẹ và người xung quanh. Đây là mốc phát triển quan trọng và nhạy cảm của bé, do đó, người lớn cần thật bình tĩnh để giúp đỡ con vượt qua thời kỳ ‘gian truân’ này.
Để khắc phục vấn đề, bạn cần chắc chắn rằng yêu cầu của bạn là phù hợp với lứa tuổi của bé. Điều tối quan trọng mỗi khi bé mè nheo là cần giữ bình tĩnh, kiên định và nhất quán trong cách cư xử, đừng để bị kích động rồi lại trút 'cơn tam bành' lên con.
Trong trường hợp, bé ăn vạ để gây chú ý, đòi người lớn đáp ứng 'yêu sách', bạn có thể vờ như không nghe, không thấy và không quan tâm đến hành động của bé... rồi, bé sẽ biết cách tự trấn an mình. Hoặc, nếu bé 'vật lên, vật xuống' và nũng nịu không chịu rửa tay trước khi ăn? Hãy nói với bé một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết rằng cả nhà đều rửa tay trước khi ăn, nếu con không chịu thì con sẽ không được ngồi vào bàn ăn…
Tốt hơn hết, vào những lúc bé ăn vạ, bạn cũng không cần hỏi là con muốn cái này hay cái kia không, bởi cái gì trẻ cũng không đồng ý. Hãy khéo léo lái sang chuyện khác, nói to lên át cả tiếng trẻ nhưng không ám chỉ vào trẻ hoặc nếu trẻ bị quá khích thì hãy ôm chặt trẻ vào lòng và nói nhỏ lại nhưng cũng không nói với trẻ mà như đang nói chuyện với ai đó (một chú gấu chẳng hạn). Nguyên tắc ở đây là không tập trung vào hành vi của trẻ nữa mà chuyển hướng sang chuyện khác để lôi sự chú ý của trẻ sang câu chuyện của mình.
Sau đó, khi bé bình thường trở lại, bạn mới giải thích với con về hành vi của chúng. Điều quan trọng là cha mẹ phải cảm nhận đúng thời điểm trẻ bắt đầu vòi vĩnh để dập tắt ngay hành vi ấy.

Báo Phụ Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến